Làng nghề vào vụ Tết

10:38, Thứ Năm, 18-1-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên, những ngày này, tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh, người dân địa phương đang tất bật, khẩn trương vào vụ sản xuất, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa để phục vụ Tết.

 Mặc dù những ngày qua trời mưa và lạnh, công việc sản xuất bánh tráng gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng trăm hộ dân làm bánh tráng làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch vẫn miệt mài với công việc.


Người dân làng bánh tráng Tân An tận dụng mọi nơi có gió, nắng để phơi bánh. Ảnh: T.H

Mỗi người một việc, từ xay bột, tráng bánh, đến phơi, đóng gói... để kịp hàng cung cấp thị trường Tết. Những phên bánh được người dân phơi chật kín ngay trước sân nhà, tường rào... Nơi nào có chút nắng, gió, người dân đều tận dụng để phơi bánh tráng.

Theo ông Ngô Văn Tính, Bí thư Chi bộ thôn Tân An, bánh tráng Tân An được sản xuất quanh năm, nhưng vụ Tết vẫn là vụ chính vì sản lượng tiêu thụ tăng rất cao, giá cũng cao hơn ngày bình thường. Hiện, toàn thôn có 334 hộ thì có hơn 200 hộ làm bánh tráng.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm bánh tráng ở địa phương đã tích cực mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc nên đã rút ngắn công lao động, hình thức, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Là hộ làm bánh tráng lâu năm, ông Nguyễn Văn Phương cho biết: "Bình thường một ngày, gia đình tôi làm khoảng 30kg – 40kg gạo. Tuy nhiên, để phục vụ Tết, gia đình tôi tăng lên 70 – 80kg. Với số lượng này, các lò hoạt động hết công suất mà vẫn không đủ cung cấp cho các mối hàng". Cũng theo ông Phương, bánh tráng Tân An được làm bằng loại gạo dẻo thơm, để lâu không mốc, nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh ở trong và ngoài tỉnh.

Ở lò bánh của chị Nguyễn Thị Quý, mới đầu mùa nhưng đơn hàng đã đặt gần hết. Chị cho biết, vào dịp Tết, lò bánh của chị nổi lửa từ 4 giờ sáng và hoạt động liên tục đến 6 giờ chiều mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Bù lại, thu nhập những ngày này tăng gấp đôi nên ai cũng háo hức. Tuy nhiên, theo chị Quý thời tiết năm nay không được thuận lợi, người dân làm bánh tráng phải luôn canh thời tiết để phơi bánh nên vất vả hơn mọi năm.

Với người dân làng nghề nước mắm Quang Phú (TP. Đồng Hới), Tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm nên ai cũng khẩn trương chuẩn bị hàng. Để cho ra những giọt nước mắm thơm ngon, ngay từ tháng 3, tháng 4 năm trước người dân bắt đầu ướp cá với muối, phải hơn một năm sau mới ra được cơi mắm, rồi trải qua một số công đoạn khác mới có được sản phẩm nước mắm thơm ngon.

Trong khi nhiều nơi sử dụng công nghệ hiện đại để làm mắm thì người dân Quang Phú vẫn làm các bước hoàn toàn thủ công. Vì vậy, nước mắm Quang Phú mới giữ được vị đặc trưng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Bà Lê Thị Hồng Cảnh, chủ cơ sở nước mắm ở thôn Nam Phú cho biết, Tết là thời điểm hàng bán được nhiều nhất trong năm, nếu ngày bình thường, gia đình bán được 30 – 40 lít/ngày, thì những tháng cận Tết bán được 80 – 90 lít/ngày. Dù số lượng hàng hóa được đặt nhiều, nhưng không vì thế mà bà con cẩu thả trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.


Để có được nước mắm ngon, những hộ dân xã Quang Phú đã phải muối cá trước đó cả năm.

Cũng theo bà Cảnh, hiện nay, nước mắm loại 1 có giá từ 80.000 – 100.000 đồng/lít; loại 2 có giá từ 50.00 – 70.000 đồng/lít; còn loại ba có giá từ 20.000 – 40.000 đồng/lít. Nước mắm truyền thống so với nước mắm công nghiệp thì giá cao hơn rất nhiều, vị mắm lại mặn và đậm đà hơn, tuy nhiên ai kỹ tính và dùng lâu thì lại không thể thiếu trong bữa ăn gia đình.

Ngoài cơ sở của bà Cảnh, nhiều hộ dân khác ở xã Quang Phú cũng đang bận rộn bắt tay vào chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Chị Lê Thị Duẫn, chủ cơ sở sản xuất nước mắm thôn Nam Phú cho biết thêm, để chuẩn bị hàng Tết, cơ sở sản xuất đã chuẩn bị hơn 2.000 lít nước mắm phục vụ khách hàng. Nước mắm ở cơ sở của chị không chỉ tạo uy tín với người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được người tiêu dùng các tỉnh khác, như: Huế, Đà Nẵng tin dùng.

Ông Phạm Quang Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho hay, Quang Phú có 864 hộ thì hầu như nhà nào cũng tham gia làm nước mắm truyền thống, hàng năm cung cấp cho thị trường 45 tấn nước mắm các loại, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Xã luôn tạo điều kiện và khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, quảng bá thương hiệu để phát triển làng nghề.

Theo Báo Quảng Bình

 

Các tin khác