Để làng nghề truyền thống thành điểm đến du lịch

8:43, Thứ Ba, 24-1-2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Theo số liệu từ Sở Công thương, tỉnh ta hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Vậy mà rất hiếm hoi, nếu như không muốn nói là không có một tên tuổi nào trở thành điểm đến của các tour du lịch trên mảnh đất Quảng Bình.

Thực tế trên từng được giải thích bởi nhiều nguyên nhân, như: tỉnh ta chưa có làng nghề nào thật sự nổi bật để hấp dẫn khách du lịch dừng chân; các làng nghề đang dần mai một, việc phát huy giá trị gặp nhiều khó khăn; sự liên kết giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo…


Đến Làng lụa Hội An, du khách có cơ hội mua sắm những sản phẩm thủ công truyền thống đa dạng, phong phú về chủng loại.

Nhưng, chung quy lại, bất chấp nhiều nỗ lực, làng nghề truyền thống ở Quảng Bình vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn của các hoạt động du lịch.

Cách đây vài năm, Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin đã triển khai một tour du lịch trong ngày với các điểm đến, gồm: trượt cát ở Quang Phú (TP.Đồng Hới), làng nghề sản xuất nước mắm ở Nhân Trạch (Bố Trạch), thưởng thức hò biển, múa bông chèo cạn ở Nhân Trạch (Bố Trạch) và ăn trưa với các đặc sản địa phương ngay tại bờ biển Nhật Lệ. Giá của mỗi tour là 650.000 đồng/người. Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch tỉnh chia sẻ, thời gian đầu, tour mang lại một “làn gió” mới mẻ cho du khách và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.

Đặc biệt, đến với làng nghề sản xuất nước mắm Nhân Trạch, khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, được tận mắt quan sát quá trình sản xuất đặc sản nước mắm với các công đoạn thủ công, tỉ mỉ, được nếm thử thành phẩm và có thể mua về làm quà lưu niệm.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, điểm đến này đành phải loại bỏ trong tour bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó về sau, công ty cũng chưa tìm được một làng nghề ấn tượng nào để xây dựng tour và đành bỏ ngỏ thị trường khai thác đầy tiềm năng này. Còn nhớ cũng cách đây không lâu, chủ nhân của một homestay trên bờ biển Nhật Lệ cũng đã ấp ủ ý định sẽ kết nối, đưa du khách nước ngoài tham gia các tour khám phá những làng chài ở Quang Phú.

Tại đây, du khách sẽ thực sự hòa mình vào nhịp sống của một làng chài đích thực, được “đóng vai” ngư dân và trải nghiệm các công việc quen thuộc hàng ngày, nhất là thưởng thức các sản phẩm tươi sống từ biển sau một ngày dài đánh bắt. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển cũng khiến dự định này chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để thành hiện thực.

Trong khi tỉnh ta còn loay hoay với việc đưa các làng nghề vào khai thác, thì các tỉnh bạn miền Trung đã thực sự đưa làng nghề trở thành một sản phẩm du lịch bền vững, để du lịch “nuôi” lại làng nghề. Có dịp ghé chân tại làng nghề gốm Bàu Trúc với tuổi đời hơn 200 năm ở Ninh Phước, Ninh Thuận, để hiểu rõ hơn về sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch và làng nghề này. Khách đến thăm quan được chiêm ngưỡng các nghệ nhân trực tiếp chế tác sản phẩm bằng tay, không sử dụng bàn xoay độc đáo, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình, khắc hoa văn và cho ra sản phẩm cuối cùng.

Trong suốt quá trình, du khách được các nghệ nhân mô tả tỉ mỉ chi tiết và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi thắc mắc nào. Làng nghề còn có hợp tác xã để quản lý, vận hành và có nhà trưng bày sản phẩm để thuận lợi cho du khách lựa chọn hàng lưu niệm. Đối với Quảng Nam, làng lụa Hội An được phục hồi gần như toàn vẹn, trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách gần xa.

Đến đây, du khách được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của một ngôi làng cổ ven đô thực sự với cổng làng xưa cũ cùng gánh chè đậu ván, nước uống dâu tằm, vườn dâu xanh tốt-nơi khách du lịch hoàn toàn có thể tự tay ngắt lá nuôi tằm. Du khách được học hỏi và tận tay thực hiện quy trình làm ra tấm lụa Hội An trứ danh, từ hái lá dâu, xem tằm ăn dâu, nhả kén, sợi tơ rút từ kén được hong khô và dệt thành sản phẩm…

Ngoài ra, làng lụa còn một số sản phẩm du lịch ấn tượng khác, như: vườn dâu Chămpa 300 năm tuổi với 40 cây dâu cổ thụ còn sót lại ở miền núi Quảng Nam; cây dâu linh thiêng hơn trăm tuổi với lá xẻ hình chân chim; triển lãm bộ sưu tập 100 trang phục cổ của dân tộc Việt Nam, tiệc buffet giữa khung cảnh thanh bình của làng lụa; hát dân ca và trò chơi bài chòi độc đáo của người xứ Quảng…

Điều dễ dàng nhận thấy nhất với các sản phẩm du lịch làng nghề này là cách làm bài bản, nghiêm túc, quan tâm từ khâu “đầu vào” đến khâu “đầu ra” của làng nghề. Đặc biệt, công tác xã hội hóa hoạt động này đã khai thác tối đa các ưu thế trong phát triển du lịch và tạo sự kết nối hoàn hảo giữa các sản phẩm du lịch của làng nghề. Thay vì đơn giản cho rằng đến làng nghề chỉ để trải nghiệm và mua sản phẩm, sự phối hợp đa dạng với nhiều hoạt động khác đã vừa mang lại nguồn thu nhập cho bà con, vừa góp phần quảng bá thương hiệu du lịch.

Trong số 29 làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh ta, làng nghề chế biến bánh mè xát ở Tân An, Quảng Thanh, Quảng Trạch có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch. Với vị trí không xa quốc lộ, gần kề với Vũng Chùa-Đảo Yến-nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dễ dàng liên kết với các làng nghề khác ở Quảng Trạch, như: nón lá Thổ Ngọa (Quảng Thuận, Ba Đồn), đan lát Thọ Đơn (Quảng Thọ, Ba Đồn), mộc mỹ nghệ Quảng Hòa (Ba Đồn). Đó là chưa kể đến nhiều di tích văn hóa, lịch sử và kho tàng văn nghệ dân gian trong khu vực, nhất là ca trù Đông Dương (Quảng Phương).


Các làng nghề mây tre đan, nón lá ở Quảng Trạch rất có tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, theo chị Phan Thị Cẩm Tú, Chủ nhiệm HTX làng nghề bánh mè xát Tân An, đến nay, vẫn chưa có một đơn vị kinh doanh du lịch nào liên hệ với HTX để giới thiệu, quảng bá làng nghề truyền thống đến du khách. Mới đây, một số đoàn khách từ tỉnh bạn đã tự tìm đến HTX để thăm quan, tìm hiểu về làng nghề và mua một số sản phẩm làm quà.

Chị cho biết, khách du lịch tỏ ra rất hào hứng với quy trình làm bánh và tin tưởng vào chất lượng, mẫu mã của bánh mè xát, mè đen của HTX. Để trở thành điểm đến cho du khách, khó khăn của HTX chính là cơ sở sản xuất còn manh mún, chưa tập trung do thiếu diện tích đất để xây nhà xưởng. Chị em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để giao tiếp, giới thiệu với du khách về quy trình làm bánh và quảng bá sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đoá, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương, vào tháng 9-2017, tỉnh sẽ tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề truyền thống lần đầu tiên ở tỉnh ta. Đây sẽ là “cú hích” để các làng nghề có thể tiếp cận gần hơn với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch. Và cũng là động lực để Sở Du lịch, Sở Công thương và các đơn vị liên quan có sự liên kết chặt chẽ, hợp tác hiệu quả hơn trong việc phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về xã hội hóa đối với riêng lĩnh vực này cũng cần được quan tâm, điều chỉnh để tránh “bỏ quên” một chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo và góp phần “đánh thức” những giá trị cổ truyền đang rất cần khai phá.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác