Dịu dàng nón lá Quy Hậu

10:55, Chủ Nhật, 22-1-2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nằm bên dòng sông Kiến Giang, Quy Hậu là nơi có nghề làm nón rất phát triển và thịnh vượng trong những năm đầu thế kỷ XX.

 Theo lời các cụ già kể lại, người đầu tiên đem nghề nón về với Quy Hậu là hai ông Nguyễn Văn Dỵ (thường gọi là ông Bộ Chiêm), và ông Đỗ Bá Mỡn (thường gọi là ông thợ Giồng) vào khoảng năm 1905 – 1906. Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) may thuê. Chợ phiên Ba Đồn cứ bảy ngày nhóm một lần. Hàng hóa từ các vùng lân cận, cả tận ngoài Hà Tĩnh dồn về, nên rất phong phú. Chỗ làm nghề may của các cụ được thuê gần chợ Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa nay thuộc Quảng Thuận.

Nơi đây có sẵn nghề làm nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình.

Trong nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và Hạnh. Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga - một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa. Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan truyền về Quy Hậu.

Nón Quy Hậu đã xinh ở dáng, lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang. Những chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí trong lòng nón các họa tiết hoa lá bằng giấy sắc màu hoặc chỉ khâu nhiều vòng giăng mắc ở hai điểm đối diện để buộc quai nón. Chiếc nón lá trắng tròn trịa chỉ cần thêm một dải lụa mềm buộc làm quai nón đã tôn lên vẻ dịu dàng cho bao cô gái.


Nón lá làng Quy Hậu được tạo ra từ bàn tay khéo léo của những người làm nón.

Thoạt trông, chiếc nón lá có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, để làm được một chiếc nón đẹp, nhẹ, bền đòi hỏi sự khéo tay, đam mê của những người làm nón. Ở mỗi công đoạn đều có sự chuyên môn hóa cao. Từ khâu khai thác vật liệu, gia công lá nón, thiết kế khung, làm vành, sáng tác hoa văn đến khâu nón. Bà Trần Thị Nhớ, người làm nón chia sẻ, để làm ra một chiếc nón là cả một quá trình dài với nhiều khâu từ làm khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón, kết chỉ, trang trí... Tất cả đều cần sự khéo léo, kiên trì và tỉ mỉ, bởi nếu chỉ cần sai bất cứ khâu nào thì nón lá sẽ rất dễ bị rách.

Bởi thế, nhiều mẹ chồng thường “thử thách” con dâu bằng tài chằm nón để đoán sự đảm đang, chịu khó. Bà Nhớ giải thích: “Nếu chằm lỏng tay, lá không đều, đường may xiên, ấy là người vợ chưa khéo vun vén. Còn chiếc nón bền đẹp, trang trí tao nhão, kết cấu lá đều là người cẩn thận, chỉn chu, biết tính toán làm ăn”.

Trước hết là khâu tạo khung và vành nón. Đây là công việc đòi hỏi người thợ có nhiều kinh nghiệm, cẩn thận và khéo tay. Chiếc khung nón bao gồm 12 thanh gỗ vát mảnh được ghép lại, khớp nhau ở đỉnh, phía dưới khoảng cách đều nhau. Toàn bộ mặt khung hình khum nhẹ. Tùy thuộc vào người làm nón đặt loại khung nào thì người thợ sẽ làm loại khung đó. Nhưng tinh tế hơn cả vẫn là khâu làm vành. Vành nón được làm từ thân cây lồ ô. Bộ vành quyết định chủ yếu dáng vẻ chiếc nón.

Có người đã nhận xét: “Nón làng Quy Hậu nhẹ, mềm mỏng, trước hết ở cốt cách của bộ vành. 16 vành như 16 vầng trăng được ve thật nhanh, thật tròn, thật nhẵn, thật điệu, sao cho không gợn chút méo mó ngay cả ở chỗ mắt cây”.

Về lá nón, lá sau khi hái về được tuyển sơ để chuyển sang sấy. Lá nón sấy đạt yêu cầu phải thỏa mãn các điều kiện chín đều, khô vừa, giữ được sắc xanh nhẹ, chưa hoàn toàn ngả sang màu trắng vàng. Đây là công việc vất vả và khá quan trọng, quyết định đến chất lượng của chiếc nón được tạo ra. Sau khi sấy xong, giữ độ ẩm cho lá, ủi chọn lá đực, lá cái, mặt phải, mặt trái, cắt và rọc sống. Hai mươi chiếc lá đực được xây đầu tiên sẽ nằm ở mặt trong.

Tiếp đến là hình hoa văn phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. Lá cái được xây ở ngoài cùng. Ở công đoạn này động tác phải nhẹ nhàng khéo léo, chèn kỹ, đẹp và dằn chắc chắn, giữ cho mặt lá phẳng không xê dịch.

Khâu (chằm) nón là công đoạn quyết định đến sự hình thành và vẻ đẹp của cả chiếc nón. Người thợ sẽ khâu từ trên xuống đến vành 15, cứ 1 cm 3 mũi cước trong suốt. Vành cuối cùng khâu cước trắng, 2 mũi kim cách nhau 2 cm. Đường chằm phải mềm mại, thanh nhẹ, dịu dàng.

Bàn tay khéo léo của những nghệ nhân các làng nón đã làm được điều đó bằng tài năng và sự khổ luyện của mình, có khi phải chong đèn thâu đêm, suốt sáng, miệt mài, dường như không biết mỏi là gì. Khâu xong nón, đánh quai, chải dầu. Lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn làm cho nón thêm sáng, đẹp và chống thấm nước. Từ đây, chiếc nón bắt đầu cuộc hành trình của mình đến với người tiêu dùng gần - xa.
Nón lá Quy Hậu dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngày nay vẫn nổi tiếng vì bền và đẹp. Những người phụ nữ chằm nón nơi đây luôn tin rằng cái nghề “mẹ truyền” có thể hư hao theo thời gian chứ không bao giờ mất đi. Dẫu cuộc sống văn minh có đổi thay đến đâu thì hình ảnh nón lá sẽ mãi trường tồn với vẻ đẹp nguyên sơ, giản dị và duyên dáng, như từng đường kim, mũi chỉ yêu thương mà người phụ nữ lặng lẽ kết vào những chiếc lá trắng tinh khôi.

Theo Báo Quảng Bình 

Các tin khác