Làng nghề truyền thống tiềm năng cần được khai thác

8:34, Thứ Ba, 29-11-2016

Xem với cỡ chữ : A- A A+
  Làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn, bởi nó mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền của một địa phương, thậm chí là một dân tộc. Ngày nay, du lịch làng nghề đang là một xu hướng phát triển, do đó để khai thác và phát triển làng nghề truyền thống trở thành một điểm đến du lịch là một tất yếu cần được quan tâm.

 Toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề truyền thống và nghề phát triển đang hoạt động, nằm rải rác ở các huyện trong toàn tỉnh với nhiều nhóm nghề chủ yếu là: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, nghề làm hương, nước mắm, chổi đót, nón lá...

Đây là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong số này, không ít làng nghề có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi bên cạnh yếu tố thuận lợi về giao thông, các làng nghề vẫn còn lưu giữ được các phong tục tập quán, di tích lịch sử - văn hóa và sản xuất ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.

Đó là làng nghề nón Quy Hậu, làng mây tre đan Thọ Đơn với những sản phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày như nón lá, thúng, mủng đến những sản phẩm cao cấp với chất lượng và mẫu mã đẹp. Làng nghề dầu tràm ở Quảng Hưng, bánh tráng Tân An cũng là những làng nghề sản xuất ra những sản phẩm đặc sắc, cần thiết trong cuộc sống hàng ngày ở địa phương và cung cấp cho các tỉnh bạn...


Các làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành lâu đời sẽ trở thành điểm đến của khách du lịch, nếu được khai thác tốt.

Tuy nhiên làng nghề truyền thống trong tỉnh chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, số hộ lao động làm nghề ít, nhiều làng nghề chưa thực sự sống bằng nghề, không khí làm nghề trong các làng nghề trầm lắng khó thu hút khách du lịch. Mặt khác, các làng nghề phân tán rải rác cách xa nhau, vì vậy việc di chuyển từ làng nghề này đến làng nghề khác mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống ở Quảng Bình vẫn đang còn thiếu nhiều yếu tố để thu hút được du khách như: Hạ tầng cơ sở, bãi đỗ xe, nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm, hướng dẫn viên, cơ sở sản xuất cho khách tham quan và trải nghiệm. Ở nhiều nơi, các làng nghề chưa có biển giới thiệu vị trí tên, lịch sử của mình đặt tại các trục đường giao thông. Việc giữ gìn môi vệ sinh môi trường tại các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, gây ảnh hưởng không tốt tới việc tạo thương hiệu , điểm đến cho khách du lịch.

Trước thực trạng trên, để khai thác được tiềm năng du lịch làng nghề, trong thời gian tới, các địa phương nên khảo sát, quy hoạch, lựa chọn các làng nghề phù hợp với chiến lược phát triển du lịch, tăng cường đầu tư cho các làng nghề phát triển trên cơ sở giữ vững truyền thống, bảo tồn nét đặc sặc riêng có.

Trong đó, cần quy hoạch không gian làng nghề hợp lý hơn để vừa có không gian dành cho khách du lịch tham quan mua sắm, vừa có không gian dành cho phát triển sản xuất, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững; đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng để người dân làng nghề có thu nhập cao từ chính nghề truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân tâm huyết, say mê giữ nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ để làng nghề luôn sối động.

Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng, đó là cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị hình ảnh du lịch làng nghề truyền thống trong chương trình du lịch chung của tỉnh. Định hướng, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ sản xuất một số sản phẩm của làng nghề truyền thống phục vụ cho khách du lịch.

Đặc biệt, các làng nghề cần chủ động hơn trong việc giới thiệu, liên kết với công ty lữ hành du lịch để nắm bắt nhu cầu của du khách, tìm ra cách thức tổ chức và cung cấp các dịch vụ phù hợp.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác