Chi tiết tin - Du khách
Nghề xưa còn ở đất này? - Bài 1: Diêm Điền - Đất tài hoa
Làng Diêm Điền (nay thuộc phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) - vùng quê ấy có sức hút mạnh mẽ với bước chân lữ khách không chỉ bởi chất giọng lạ mà còn bởi những vỉa tầng văn hóa sâu thẳm đã ăn sâu vào nếp nghĩ, làm nên từng cốt cách con người. Người Diêm Điền xưa hay nay vẫn thế: cần cù, chịu khó và rất tài hoa!
Chát mặn đời muối
Theo sử sách cũ và gia phả cổ của các dòng họ nơi đây, làng Diêm Điền có nguồn gốc ở tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc di cư, định làng lập nghiệp từ cuối thế kỷ XVI. Diêm Điền cũng là tên gọi của của làng làm nghề muối nổi tiếng của tỉnh Thái Bình. Giữ lấy tên làng, giữ luôn giọng nói gốc gác, đó là cách người Diêm Điền ở Đồng Hới bao đời nay nhớ về và tri ân tiên tổ. Diêm Điền - theo cách giải thích của các cụ cao tuổi trong làng - nghĩa là “ruộng muối”. Đất Diêm Điền xưa kia còn có tên là Kẻ Nại, nghĩa là cộng đồng dân cư cùng làm nghề muối.
Với nhiều người Diêm Điền hôm nay, họ không nhớ cụ thể nghề muối đã neo đậu vào đời sống của họ tự bao giờ, chỉ biết, với nhiều thế hệ cao niên trong làng, cái mặn mòi của biển đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn những con người chân chất sinh ra và lớn lên từ vùng quê này.
Có lẽ từ thuở đặt những bước chân đầu tiên đến mảnh đất này, người Diêm Điền đã biết dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên, của đất trời, bám lấy vị mặn mòi của biển xứ Thuận Hóa để làm nên những hạt muối trắng tinh túy. Nhiều đời, “biển đã kết hoa”, cuộc sống của người dân cũng đã khấm khá hơn từ những mặn mòi của mồ hôi, của nước mắt và của muối.
Trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có nhắc khá kỹ về nghề làm muối ở làng Diêm Điền: “Mùa xuân năm Bính Thân, đặt nha môn Trần Như ra hiểu dụ cho dân đều theo nghề cũ mà làm... Từ đó, những xã thôn ở gần kề biển dần mở lò nấu. Những ruộng cát đất mặn lần lượt được khẩn trị, muối ngọt mà trắng, không khác các xứ”. Nghề làm muối của Diêm Điền ban đầu sử dụng phương pháp lò nấu nhưng trải qua nhiều thăng trầm, diêm dân nơi đây chuyển dần sang phương pháp phơi nước mặn trực tiếp trên ruộng và phơi nước mặn gián tiếp trên cát.
Ông Hoàng Văn Ngược (Diêm Bắc, Đức Ninh Đông) nguyên là đội trưởng đội muối, HTX hợp nhất Đức Ninh bồi hồi nhớ lại: Ruộng muối Diêm Điền dạo ấy mở mang hàng chục ha suốt bờ rào Diêm Điền về phía hai bên cống Mười. Năm 1979-1980, người làng Diêm Điền chính thức đảm nhận diện tích muối của HTX Đức Ninh, đồng thời chuyển sang làm muối bằng phương pháp phơi cát. Từ năm 1982-1983, HTX làm 10 ha muối phương pháp phơi nước vùng đồng muối giáp đất Đồng Phú.
Sau hơn 300 năm tồn tại, nghề làm muối như một phương kế sinh nhai của người Diêm Điền. Và cũng chừng ấy thời gian, bao thế hệ diêm dân nơi đây đã nếm đủ những mặn đắng của nghề, trói buộc mình trong vòng luẩn quẩn bỏ hay giữ một nghề vốn được coi là khó nhọc và bấp bênh theo sự dỗi hờn của thời tiết. Đến năm 1989, tỉnh Quảng Bình tái lập, khu vực ruộng muối Diêm Điền được quy hoạch thành khu dân cư, người Diêm Điền chính thức chấm dứt nghề làm muối.
Ba thế hệ gia đình ông Trần Né vẫn quyết tâm giữ nghề mộc truyền thống.
Hôm nay, trên những cánh đồng muối năm nào, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên san sát. Cuộc sống của người Diêm Điền đã vơi bớt những chát chúa, mặn mòi. Nghề làm muối cũng chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của những “người muôn năm cũ”, nhưng dẫu vậy, người Diêm Điền hôm nay vẫn vậy: chân chất như muối và cũng cần mẫn như những diêm dân thuở nào.
Làng “Cửu Chạm”
Làng Diêm Điền xưa nay nổi tiếng với những người thợ nề, thợ mộc khéo tay. Theo cuốn Địa chí làng Diêm Điền, một trong những người đưa nghề mộc về thành nghề chính thức ở Diêm Điền là vị tiền hiền Hoàng Văn Loan. Dưới đôi bàn tay truyền dạy của ông, lần lượt các lớp thợ mộc tài hoa xuất hiện như các ông Hoàng Giỏ, Hoàng Lự, Hoàng Thanh...
Thời điểm ấy, làng Diêm Điền rộn rã với tiếng cưa, đục đẽo. Dưới đôi bàn tay những người thợ mộc Diêm Điền, những sản phẩm đúc kết từ tinh hoa đã đi khắp mọi miền đất nước như nhà rường, tủ thờ cùng các sản phẩm văn hóa độc đáo khác như bức câu đối, hoành phi, tranh khắc chạm gỗ...
Thợ mộc Diêm Điền cần cù, chịu khó, thông minh sáng tạo, học hỏi thực tế, tiếp thu tinh hoa của những người thợ cả khắp trong Nam, ngoài Bắc. Sản phẩm nổi tiếng nhất của những người thợ mộc Diêm Điền là những ngôi nhà rường với các chi tiết chạm khắc tinh xảo. Những thao tác kỹ thuật rất phức tạp như xẻ lắp mộng cột với miệng kèo hình vòng cung sít soát, vừa vặn chứng tỏ trình độ cao cấp của thợ mộc Diêm Điền. Theo sử sách cũ để lại thì thợ mộc Diêm Điền đã từng được vua nhà Nguyễn mời vào làm một số công trình đền chùa ở Huế. Một số thợ tài năng đã được vua phong danh vị “Cửu Chạm”.
Phát huy tinh hoa, trí tuệ của cha ông, những thế hệ con em Diêm Điền bao đời nay vẫn gìn giữ nghề xưa, nghiệp cũ và coi đó như tài sản quý giá mà cha ông họ để lại để rồi suốt đời nâng niu, trân trọng. Theo dòng xoáy của cuộc mưu sinh, nghề mộc truyền thống của Diêm Điền cũng như bao nghề khác thịnh suy, chìm nổi. Trải qua những năm tháng thịnh vượng cùng nghề, đến hôm nay, số người Diêm Điền còn theo nghề mộc truyền thống còn khá ít ỏi nhưng đó là những người thực sự yêu và đam mê với nghề nghiệp tiên tổ.
Ông Trần Né dẫu đã 89 tuổi nhưng ngày ngày vẫn hướng dẫn con, cháu làm nghề. Giờ cả đại gia đình ông lão cũng ngót nghét 10 người theo nghề, giữ nghiệp. Đôi bàn tay đã chằng chịt nếp nhăn và lấm tấm vết đồi mồi của ông vẫn cần mẫn chỉ dạy từng đường chạm trổ.Với ông, đó là cái nghiệp suốt cuộc đời đa mang và đáng trân trọng.
Trong căn nhà vẫn đượm màu xưa cũ, ba thế hệ gia đình ông lão vẫn nối nghiệp ông cha, cần mẫn chắt chiu, xây dựng cuộc sống gia đình từ nghề mộc truyền thống. Để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm xưởng của các xưởng mộc ở Diêm Điền chuyển hẳn sang các loại tủ thờ và tủ cao cấp. Bằng tâm hồn yêu nghề và đôi bàn tay tài hoa, người thợ mộc Diêm Điền hôm nay đã thổi hồn vào chính những mặt gỗ tưởng vô tri trở nên sống động với những bức tranh sơn thủy khái quát và cách điệu, kỹ thuật chạm khảm sắc sảo, khảm trai, xà cừ...
Với nhiều thế hệ người Diêm Điền, nghề mộc đã thành một nghiệp lớn. Đằng sau những sản phẩm rải đều khắp trong Nam, ngoài Bắc, chứa đựng biết bao thăng trầm cuộc sống, bao suy nghĩ, trăn trở. Bao đời thợ với những đôi bàn tay đã chai sạn, thô ráp vẫn quyết giữ nghề cha ông, nghiệp tiên tổ trước những lay lắt của cuộc sinh tồn.
Theo Báo Quảng Bình
- Khoai gieo Hải Ninh - từng bước khẳng định sản phẩm làng nghề (20/06/2016)
- Nghề đóng tàu biển (08/05/2016)
- Làm chổi đót cho thu nhập khá (15/04/2016)
- Giữ vẹn hương vị quê nhà (21/01/2016)
- Rộn ràng nghề làm hương trầm vụ Tết (04/01/2016)
- Bánh tráng Tân An: Thương hiệu quà quê (30/12/2015)
- Về "làng thợ nề" Di Lộc (25/09/2015)
- Đức Trạch phát triển nghề đóng tàu truyền thống (13/07/2015)
- Người ''giữ hồn'' làng nón Hạ Thôn (18/11/2014)
- Mấy trăm năm "lửa nghề" vẫn cháy! (15/10/2014)