Chi tiết tin - Du khách
Khoai gieo Hải Ninh - từng bước khẳng định sản phẩm làng nghề
Với gần 60 ha sản xuất khoai lang, người dân Hải Ninh đã sử dụng toàn bộ lượng củ thu hoạch được để chế biến khoai gieo. Từ năm 2006, các Chi hội Phụ nữ trong xã tự thành lập Tổ hợp tác chế biến khoai gieo để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Đến năm 2009 đã phát triển thành Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến khoai gieo Hải Ninh. Sản phẩm khoai gieo được nhiều nơi biết đến và trở thành một trong những đặc sản của đất Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 16/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận “Làng nghề chế biến khoai gieo Hải Ninh”. Với sự công nhận này và việc kiện toàn lại hoạt động HTX theo Luật HTX mới đã trở thành bước ngoặt quan trọng để HTX Sản xuất và chế biến khoai gieo Hải Ninh có hướng phát triển phù hợp, từng bước nỗ lực khẳng định sản phẩm, phát triển thương hiệu làng nghề.
Bà Hoàng Thị Liễu, Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến khoai gieo Hải Ninh cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn cố gắng để tạo ra được sản phẩm chất lượng, mang hương vị riêng của địa phương. Khoảng 3-4kg khoai củ mới chế biến được 01kg khoai gieo, bán được khoảng 70-100 nghìn đồng, tùy thuộc vào việc bán tại chỗ hay đem đi nhập ở thành phố. Các thành viên trong HTX có thu nhập ổn định từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Nhất là sau khi chuyển đổi HTX thành công, Ban Giám đốc HTX sẽ nỗ lực hơn nữa trong tìm kiếm nguồn tiêu thụ ổn định, động viên xã viên tích cực sản xuất để nâng cao chất lượng, khẳng định sản phẩm làng nghề..".
Ở xã Hải Ninh có 05 thôn và đều làm khoai deo. Ngoài hoạt động sản xuất tập trung của HTX, nhiều hộ gia đình ở Hải Ninh đã tiến hành sản xuất nhỏ lẻ để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. HTX có 15 lao động. Mức thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lao động trong HTX, toàn xã Hải Ninh có khoảng 250 hộ dân làm dịch vụ này. Mỗi năm, trung bình HTX Sản xuất và chế biến khoai gieo Hải Ninh sản xuất trên 40 tấn khoai deo, đem lại tổng thu nhập trên 2,5 tỷ đồng.
Theo thời vụ, khoai lang được trồng từ tháng 10 năm trước và thu hoạch vào khoảng tháng 4 năm sau với quy trình sản xuất được dựa theo kinh nghiệm truyền thống. Về các công đoạn quan trọng trong chế biến khoai gieo, bà Phạm Thị Hường, thôn Tân Định chia sẻ các bí quyết của người làm khoai gieo ở địa phương, đó là: Muốn khoai deo được ngon và ngọt thì phải tìm và trồng giống khoai đỏ, vì đây là giống khoai thích ứng và phát triển tốt nhất ở vùng cát nóng. Khoai phải trồng và lấy củ từ khoảng tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Củ khoai khi mới thu hoạch về không được xắt lát ngay mà phải phơi 3 nắng để cho vỏ khoai săn lại. Việc phơi cũng phải đúng cách, mỗi ngày chỉ phơi chừng 01 tiếng (tùy theo thời tiết), giữa các lần phơi đều phải lấy chăn ủ lại. Sau đó đem củ khoai ủ kín trong vòng khoảng 10 ngày rồi đem luộc trong thời gian 2-3 giờ liên tiếp đó cắt lát dọc theo hướng củ và đem phơi. Quá trình phơi phải từ 7-10 ngày trong nắng to thì được. Các công đoạn trên đạt tiêu chuẩn thì lát khoai deo thành phẩm nhìn vào thấy trong vắt, dẻo quẹo, mang đến cho người thưởng thức cảm nhận được vị ngọt của mật khoai.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm sản xuất khoai gieo, người dân Hải Ninh có phương pháp chế biến khoai gieo khá độc đáo, chất lượng. Sản phẩm là những lát khoai mềm dẻo, khô mà không cứng và rất ngọt. Đặc sản khoai gieo Hải Ninh được thị trường ưa chuộng, khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, góp phần quan trọng giúp người dân Hải Ninh từng bước thoát nghèo. Để phát triển thương hiệu, hàng năm, xã luôn khuyến khích nhân dân trồng khoai lang, chế biến khoai gieo đảm bảo chất lượng, nâng tổng sản lượng khoai gieo thành phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Ninh khẳng định: Nhờ chế biến khoai gieo mà phần lớn hội viên phụ nữ có thêm công ăn việc làm trong thời gian nhàn rỗi hay mùa biển động. Sản xuất khoai gieo cũng góp phần mang lại thu nhập khá cho gia đình hội viên...
Thị trường khoai deo Hải Ninh hiện tại phát triển rộng khắp ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Trong tỉnh, khoai gieo đã trở thành sản phẩm không thể thiếu ở sân bay Đồng Hới, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và chợ lớn, nhỏ.
Để khoai gieo trở thành sản phẩm làng nghề truyền thống là cả một quá trình nỗ lực của người dân Hải Ninh. Giờ đây, khoai gieo đã có tên trong danh mục những đặc sản Quảng Bình được nhiều người lựa chọn. Và để sản phẩm này khẳng định được chất lượng một cách bền vững, người dân Hải Ninh càng chú trọng đến kỹ thuật chế biến, quan tâm hàng đầu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển quy mô sản xuất, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân nơi đây.
Duy Hiền (Đài TT-TH Quảng Ninh)
- Nghề đóng tàu biển (08/05/2016)
- Làm chổi đót cho thu nhập khá (15/04/2016)
- Giữ vẹn hương vị quê nhà (21/01/2016)
- Rộn ràng nghề làm hương trầm vụ Tết (04/01/2016)
- Bánh tráng Tân An: Thương hiệu quà quê (30/12/2015)
- Về "làng thợ nề" Di Lộc (25/09/2015)
- Đức Trạch phát triển nghề đóng tàu truyền thống (13/07/2015)
- Người ''giữ hồn'' làng nón Hạ Thôn (18/11/2014)
- Mấy trăm năm "lửa nghề" vẫn cháy! (15/10/2014)
- Làng gốm Mỹ Cương (30/07/2014)