Chi tiết tin - Du khách
Làm chổi đót cho thu nhập khá
Trước kia, người dân Hà Kiên sinh sống trên những chiếc đò, lênh đênh trên sông nước Nhật Lệ, Kiến Giang và Đại Giang. Họ mưu sinh bằng nghề chài, lưới, nò, đáy, đánh bắt thủy sản trên sông. Cơm gạo, áo tiền hàng ngày nhờ vào mớ cá, mớ tôm đánh bắt cả đêm, sáng đi chợ bán. Cả thôn có 158 hộ, 520 khẩu nhưng chỉ có 2,5 ha ruộng lúa nên nghề nghiệp chủ yếu của người dân là đánh bắt tôm, cá.
Để tăng thêm thu nhập, có tiền xây dựng nhà cửa, mua sắm, chi tiêu và nuôi con ăn học, năm 1984 có mấy hộ dân đi học nghề làm chổi đót, một số hộ khác đấu thầu đất nuôi tôm ở Hói Hà, nhiều thanh niên đi làm ăn xa.
Là một trong những người đầu tiên học nghề làm chổi đót rồi về triển khai làm, ông Nguyễn Văn Thuần cho biết: “Hồi đó, chỉ có vài ba gia đình biết làm chổi, tự lên rừng khai thác cây đót rồi về phơi khô, sản xuất. Chổi làm ra đưa bán ở các chợ, có thêm thu nhập ai cũng mừng lắm.
Thế rồi, nhiều người, nhiều gia đình tìm đến chúng tôi học hỏi cách làm và họ cũng “cơm đùm gạo bới” xuống đò chèo lên thượng nguồn Đại Giang, lên rừng khai thác cây đót đưa về phơi khô, làm ra sản phẩm. Từ đó, nghề làm chổi đót ở đây phát triển, duy trì cho đến ngày nay. Phải nói chắc chắn rằng, làm chổi đót cho thu nhập cao”.
Nghề làm chổi đót mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở thôn Hà Kiên.
Những năm gần đây, bà con thôn Hà Kiên không đi khai thác cây đót nữa mà chỉ thu mua của những người khai thác từ trên rừng Trường Sơn và bên Lào về nhập. Hộ có nhiều người làm, mỗi năm mua khoảng 10 tấn đót khô; hộ có ít lao động, mỗi năm mua chừng 3 đến 4 tấn. Sau khi phơi được nắng, bông đót có màu trắng xanh mới đưa vào sản xuất. Làm chổi đót phải qua 3 công đoạn: kết chổi, buộc đót; san xòe đót và bện con rết; hoàn thiện sản phẩm.
Trong ba công đoạn, chỉ có buộc đót vào cán là cần người có sức khỏe, bởi có khỏe mới buộc chặt được, buộc có chặt cái chổi mới bền, dùng được lâu. Mỗi tạ đót khô làm được 180 cái chổi, hiện nay, mỗi cái nhập cho đại lý giá 20.000đ, còn nếu đưa ra chợ bán được 25.000đ. Những cái chổi có bông đót dài, màu trắng xanh, buộc chặt, xòe đẹp có nhiều người mua chọn lựa, sản phẩm mới có uy tín. Chổi đót Hà Kiên đạt được tiêu chuẩn đó từ lâu, nhờ vậy nên những năm từ 1986 đến 1989, chổi đót Hà Kiên từng được Công ty Ngoại thương Lệ Ninh thu mua, xuất khẩu ra nước ngoài.
Làm chổi đót không nặng nhọc và vất vả như nhiều ngành nghề khác, hơn nữa, nghề này có thể tranh thủ những lúc nhàn rỗi, những ngày mưa gió và buổi tối đều làm được. Ngoài lao động chính ra, người cao tuổi hoặc học sinh từ bậc THCS trở lên đều làm được chổi đót; ở độ tuổi học sinh, nhiều em làm nhanh và chổi đẹp. Làm ngày 2 buổi, bình quân mỗi người làm được 30 cái chổi, nếu nhập đại lý thu được 600 nghìn đồng, trừ chi phí, lãi chừng 300 nghìn đồng. Như vậy, làm chổi đót đã không vất vả, nặng nhọc nhưng lại cho thu nhập cao hơn nhiều công việc khác ở nông thôn.
Vừa kết chổi, chị Võ Thị Hợp vừa cười nói: “Tôi chỉ có 2 mẹ con, là đàn bà con dại nên không thể đêm hôm làm nghề chài lưới như người ta được; thế nên, trước đây mẹ con tôi nghèo lắm. Năm 1984, trong thôn có mấy gia đình làm chổi đót, hàng ngày có “đồng vào đồng ra” nên tôi đến xin học nghề. Do mình không có sức khỏe lại không có điều kiện để lên rừng khai thác cây đót, tôi xin mua nợ của bà con đi khai thác về. Mua được đót, mình lo chăm chút phơi khô, bảo quản từng cây, từng bông đót rồi tranh thủ ngày đêm để làm, đưa đi chợ bán.
Thời kỳ đầu, chổi của tôi bán không được giá như của người khác, tôi buồn lắm. Nhờ mấy thợ giỏi giúp thêm kỹ thuật buộc đót chặt vào cán và kỹ thuật xòe chổi nên dần dần chổi của tôi cũng bán được giá như của bà con. Từ khi theo nghề làm chổi đót, hàng ngày tôi có tiền mua gạo, thức ăn và trang trải cuộc sống hai mẹ con, kinh tế từng bước được nâng lên, đỡ vất vả”.
Khác với gia cảnh chị Hợp, chị Nguyễn Thị Dị vợ chồng con cái suôn sẻ, có điều kiện; hàng ngày trong gia đình có nhiều người làm chổi nên bán được nhiều, kinh tế gia đình vững vàng. Chị Dị chia sẻ “ Từ khi theo nghề làm chổi, kinh tế gia đình tôi dần dần được ổn định, làm được nhà xây chắc chắn, mua sắm xe máy, ti vi và các vật dụng khác trong nhà, có tiền nuôi con ăn học. Do đầu ra không ổn định nên hiện nay tôi chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi để làm nhưng tính ra mỗi năm cũng bỏ túi từ 90 triệu đồng đến 120 triệu đồng”.
Giải pháp cho đầu ra mới thực sự quan trọng, chổi làm ra mà bán được, bán hết mới có nhiều người làm. Có những năm, thôn Hà Kiên có 25 hộ sản xuất chổi đót, nhưng do đầu ra không thuận nên hiện nay cả thôn chỉ còn 15 hộ với trên 50 người làm chổi.
Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Giang Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Ninh trao đổi: “Hội sẽ tham mưu với lãnh đạo xã và thôn Hà Kiên trước mắt nên thành lập ở đây Tổ hợp sản xuất chổi đót để có điều kiện, cơ sở tìm kiếm đầu ra một cách chủ động. Có như vậy người làm chổi đót thật sự yên tâm, mới thu hút thêm người lao động. Khi đã có nhiều lao động làm chổi, sẽ thành lập HTX sản xuất chổi đót”.
Mong sao, ước muốn của ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Ninh sớm thành hiện thực, để việc sản xuất chổi đót ở thôn Hà Kiên trở thành nghề chính của người dân nơi sông nước.
Theo Báo Quảng Bình
- Giữ vẹn hương vị quê nhà (21/01/2016)
- Rộn ràng nghề làm hương trầm vụ Tết (04/01/2016)
- Bánh tráng Tân An: Thương hiệu quà quê (30/12/2015)
- Về "làng thợ nề" Di Lộc (25/09/2015)
- Đức Trạch phát triển nghề đóng tàu truyền thống (13/07/2015)
- Người ''giữ hồn'' làng nón Hạ Thôn (18/11/2014)
- Mấy trăm năm "lửa nghề" vẫn cháy! (15/10/2014)
- Làng gốm Mỹ Cương (30/07/2014)
- Rượu quê (04/06/2014)
- Nghề làm bánh tráng Quảng Hòa (02/06/2014)