Rộn ràng nghề làm hương trầm vụ Tết

16:47, Thứ Hai, 4-1-2016

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Những ngày này, khi đến thăm làng nghề hương trầm, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đâu đâu cũng thấy mùi thơm ngát của hương trầm và không khí khẩn trương chuẩn bị hàng cho vụ Tết.

 Ông Nguyễn Chí Phúc, Trưởng thôn Quyết Thắng cho biết, người dân trong thôn đã biết làm hương cách đây khoảng 300 năm, nhưng lúc đó họ mới chỉ biết làm hương bằng loại lá hương reng trên núi. Năm 1968, khi vô tình biết được loại cây lạ có mùi hương thơm dễ chịu, bớt đau đầu, căng thẳng, có thể đuổi được muỗi họ đã kết hợp với lá hương reng tạo nên loại hương trầm cho đến ngày nay. Người dân ở đây gọi cây lạ đó là cây trầm rẹ quạt.


Nhúng hương vào bột trầm rẹ quạt để hoàn thành sản phẩm.

Từ đó, kỹ thuật làm hương trầm rẹ quạt ngày một tiến bộ, kỹ thuật quấn trầm cũng được cải tiến hoàn thiện dần theo thời gian. Một số phụ gia cũng được bổ sung sao cho vừa ý người mua. Và nghề sản xuất hương trầm được phổ biến rộng rãi cho bà con cho tới nay.

Đây là nghề phụ khi nhàn rỗi của người dân thôn Quyết Thắng, cứ vào tháng 7 (âm lịch) người dân lại mua tre non mới khắm lá hoặc chưa lóc hết vỏ đem về chẻ mỏng, phơi khô. Nếu có nhân lực thì họ tự lên rừng lấy lá hương roi, gốc trầm hương đem về rửa sạch, chặt nhỏ, phơi khô rồi nghiền thành bột, chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng; nếu không có nhân lực thì mọi nguyên liệu đều được mua sẵn. Đến giữa tháng 10 (âm lịch) thì bắt đầu bước vào làm hương vụ Tết, cứ có nắng là người dân lại tấp nập nhúng hương, phơi phô để đóng gói.

Thôn Quyết Thắng có 510 hộ thì đã có 273 hộ có nghề làm hương trầm, nhờ nghề làm hương trầm mà nhiều hộ gia đình nơi đây đã thoát được nghèo, cả thôn chỉ còn 20 hộ nghèo (chiếm 3,9%). Làm hương là một công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều sức khỏe, ai cũng có thể làm được và mang tính chất gia đình.

Đàn ông thì chẻ tre, phơi khô, đàn bà thì nhồi bột, nhúng hương, trẻ em người già thì phơi hương và gói hương thành từng bó, tất cả như một quy trình vận hành đồng bộ và nhịp nhàng. Với hiệu quả kinh tế từ nghề làm hương mang lại, nhiều hộ dân đã biết cách làm giàu từ nghề này và làm có quy mô lớn, xuất bán sản phẩm quanh năm như hộ anh Lê Tình, anh Phan Văn Tu, chị Võ Thị Bích...

Được biết, làm nghề này nếu người dân đi lấy được nguyên liệu thì có lãi khoảng 50%, còn không có nhân lực, mọi nguyên liệu phải mua thì lãi còn 20%. Mỗi bó hương (100 que) bán ra có giá từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng. Hàng năm, nhà làm ít thì cũng được 20.000 que, nhà làm nhiều thì 50.000 đến 60.000 que.

Ngày 25-11-2015, UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, trong 5 hồ sơ đủ tiêu chuẩn công nhận danh hiệu làng nghề có làng nghề sản xuất hương trầm Quyết Thắng (xã Thanh Trạch). Đây là một vinh dự cũng như một bước phát triển mới của làng nghề làm hương trầm Quyết Thắng hiện nay.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, hiện làng nghề làm hướng trầm Quyết Thắng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như vốn, nguyên liệu, đầu ra và thương hiệu của sản phẩm. Khó khăn nhất vẫn là đầu ra, các hộ gia đình vẫn còn phải tự tìm đầu ra mà chưa có một doanh nghiệp nào thu mua sản phẩm. Thị trường tràn ngập các loại hương trầm đã có thương hiệu, bao bì đẹp mắt nên thu hút người mua hơn là hương trầm của làng nghề. Cũng chính vì vậy mà người dân chưa dám làm ra số lượng lớn vì thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, mới chỉ thu hẹp trong tỉnh, chưa vươn xa các tỉnh khác.


Người dân tranh thủ phơi hương khi trời nắng.

Ông Lưu Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết: Một khó khăn mang tính lâu dài của làng nghề là nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm. Hiện nay, 2 loại nguyên liệu cơ bản là lá hương reng và gốc trầm rẹ quạt đều được khai thác từ tự nhiên, với số lượng hương sản xuất như hiện nay thì tạm thời vẫn đáp ứng đủ nhưng nếu mở rộng sản xuất, tình trạng khai thác cạn kiệt và bán nguyên liệu ra thị trường bên ngoài có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn nguyên liệu cho làng nghề.

Vì vậy vấn đề khai thác có kiểm soát, kết hợp đầu tư trồng nguyên liệu cũng là giải pháp mang tính chiến lược để chủ động mở rộng sản xuất và tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh cho hương trầm Quyết Thắng.

Mong muốn của người dân nơi đây là thành lập được HTX làng nghề để dễ tìm đầu mối thu mua, có thương hiệu để làm bao bì sản phẩm khi tung ra thị trường. Bởi lẽ, hiện nay hương trầm thơm của làng khi xuất bán mới chỉ bọc trong bao ni lông, giấy báo thủ công mà chưa có sản phẩm bao bì nên người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi mua sản phẩm. Chỉ những người quen biết, dùng một lần thấy mùi hương dễ chịu, cháy đượm và được lâu mới mua thường xuyên.

Hy vọng làng nghề sẽ duy trì và ngày càng phát triển, để hương trầm Quyết Thắng sẽ góp thêm hương vị ngày Tết cho mỗi gia đình.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác