Đức Trạch phát triển nghề đóng tàu truyền thống

10:30, Thứ Hai, 13-7-2015

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Là một địa phương có lợi thế về biển, xã Đức Trạch xác định ngành Ngư nghiệp là mũi nhọn để phát triển kinh tế, cùng với nghề khai thác thủy - hải sản, xã Đức Trạch còn có một nghề truyền thống, đó là nghề sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Nghề đóng tàu biển của xã Đức Trạch đã có từ lâu, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, biến động nhưng đến nay, nghề đóng tàu vẫn được duy trì, phát triển và trở thành một trong những mũi nhọn trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Đức Trạch là một xã vùng ven biển của huyện Bố Trạch với đường bờ biển dài 3,2km, toàn xã có trên 7.100 hộ, trong đó có hơn 70% dân số sống bằng nghề biển. Hiện, toàn xã Đức Trạch có 522 tàu khai thác thủy - hải sản, trong đó có 236 tàu đánh bắt xa bờ. Từ năm 2010 đến nay, sản lượng khai thác thủy - hải sản của xã hàng năm luôn đạt trên 7.600 tấn. Cùng với việc khai thác thủy - hải sản, Đức Trạch vẫn duy trì và phát triển nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống đã có từ hàng trăm năm qua.


Ảnh: Nghề đóng tàu biển của xã Đức Trạch trở thành một trong những mũi nhọn trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Nghề đóng tàu thuyền ở xã Đức Trạch có từ xa xưa, ngay từ khi thành lập làng đã có nghề này. Ban đầu, chỉ đóng thuyền nan rất thủ công. Sau này, cải tiến đóng tàu có công suất từ 12 – 30CV, dần dần tăng từ 30 – 900CV. Hiện nay xã Đức Trạch có 5 tổ dịch vụ đóng tàu và đã giải quyết cho rất nhiều lao động ở địa phương”.

Từ năm 2010 đến nay, các tổ dịch vụ đóng tàu của xã Đức Trạch đã tham gia đóng mới được trên 80 tàu các loại, riêng trong 5 tháng đầu năm nay đã hạ thủy được 12 tàu. Ngoài ra, các tổ đóng tàu vỏ gỗ của xã cũng đã tham gia cải hoán được trên 200 tàu khác.

Trong các tổ dịch vụ đóng tàu, nổi bật có Tổ dịch vụ đóng tàu vỏ gỗ xã Đức Trạch do ông Phạm Minh Hồng ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch làm tổ trưởng. Mỗi năm tổ dịch vụ đóng tàu của ông tham gia đóng mới trên 20 tàu các loại, chủ yếu là các tàu có công suất từ 90CV trở lên. Đồng thời, giúp tạo việc làm ổn định cho 25 lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 9 triệu đồng/người/tháng.

Để duy trì và phát triển nghề đóng tàu, trong những năm qua chính quyền xã Đức Trạch đã tạo mọi điều kiện cần thiết để các cơ sở đóng tàu phát triển một cách bền vững. Trong đó có việc hỗ trợ cho các cơ sở đóng tàu thuê mặt bằng miễn phí, tư vấn, tạo điều kiện hướng dẫn vay vốn theo chương trình nông thôn mới để có thể mạnh dạn đầu tư vào xây dựng, mở rộng xưởng. Nhờ các chính sách đó đã khuyến khích các tổ dịch vụ đóng tàu duy trì và mở rộng quy mô các cơ sở.

Có thể khẳng định, nghề đóng tàu vỏ gỗ của xã Đức Trạch đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ những con tàu mới có công suất lớn đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác thủy - hải sản cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Theo Đài TT-TH Bố Trạch

Các tin khác