Người ''giữ hồn'' làng nón Hạ Thôn

10:8, Thứ Ba, 18-11-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Cũng giống như nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh ta, làng nón Hạ Thôn (Quảng Tân, TX Ba Đồn) đã trải qua những bước thăng trầm trước khi phát triển phồn thịnh như hiện nay. Vào lúc làng nghề chới với trong việc tìm hướng đi mới để duy trì, phát triển, có một người đã không quản ngại khó khăn, dành trọn tâm huyết, đầu tư thời gian, công sức để vực làng nghề đi lên. Ông là Hoàng Hữu Tố, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Quảng Tân. 

Gặp CCB Hoàng Hữu Tố tại Đại hội thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” tỉnh lần thứ V vừa qua, chúng tôi được ông kể cho nghe về những năm tháng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt, quãng thời gian khó khăn khi xuất ngũ trở về cũng như cơ duyên đưa ông trở thành người “giữ hồn” cho nghề nón truyền thống của quê hương.

Ông kể, năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong tòng quân. Tháng 10-1972, ông bị thương ở mặt trận Quảng Trị và được chuyển về tuyến sau. Năm 1975, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hoàng Hữu Tố trở về địa phương, mang trên mình thương tật 29%, tiếp tục tham gia vào lực lượng dự bị động viên, được cử làm Xã đội phó kiêm Bí thư Đoàn xã. Năm 1976, ông lấy bà Phạm Thị Hường, cũng là bộ đội thuộc Đoàn 559 và là thương binh hạng 4/4 (thương tật 41%).

Rồi lần lượt những đứa con ra đời khiến nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền càng đè trĩu trên đôi vai người cựu lính. Trở về với đời thường, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khi gia sản của hai vợ chồng chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng cùng những di chứng của chiến tranh. Quảng Tân quê ông nằm sát sông Gianh, thuộc diện bãi ngang, không được hưởng lợi từ tài nguyên rừng và biển.

Hơn nữa, là một xã thuần nông nhưng đất canh tác rất ít. Gia đinình ông vẻn vẹn có hơn 3 sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn. Nhận thấy bên cạnh nghề nông, Quảng Tân còn có nghề nón lá truyền thống được duy trì từ năm 1950. Tuy nhiên đến thời điểm 1979-1980 nghề nón lá có dấu hiệu đi xuống, dần mai một. Tiểu thương buôn bán nón lá thấy không lãi được bao nhiêu nên xoay sang tìm kiếm nghề khác; người dân thì không mấy mặn mà bởi giá cả thấp, không bõ công làm.
Trước tình hình đó, ông bàn với vợ tìm cách khôi phục lại ngành nghề truyền thống của ông cha, trước là để tăng thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình và bà con làng xóm, sau là để phục hồi một nghề truyền thống không để thất truyền.

Nghĩ là làm, CCB Hoàng Hữu Tố nhanh chóng bắt tay vào việc tìm hiểu những nơi đang sản xuất và thị trường tiêu thụ nón lá. Khoác ba lô vào thành phố Huế và một số nơi khác có nghề nón lá phát triển để tìm hiểu, ông "ngộ" ra một điều rằng, ở những nơi ông đến, nón lá không chỉ để che mưa, che nắng mà còn để làm đẹp, có độ thẩm mỹ cao, như thế mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Trở về với cẩm nang trong tay, ông quyết tâm đưa nón lá quê nhà từ một nghề gọi là “nghề phụ” trở thành nguồn thu nhập chính của bà con trong xã. Tuy nhiên, để thực hiện được quyết tâm đó không phải là chuyện dễ, bởi trong tay ông không có một đồng vốn nào. Cái khó bó cái khôn, hai vợ chồng ông quyết định đi mua nợ nón lá của bà con trong xã rồi đem bán ở các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa...

Nhưng thời ấy nón lá quê ông cũ kỹ, lạc hậu, không được khách hàng ưa chuộng. Với kinh nghiệm đã học được và trên cơ sở mẫu sản phẩm sẵn có, ông bắt tay vào sáng tạo, cải tiến mẫu mã. Vợ chồng ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian để tạo khuôn mẫu phù hợp, kỹ thuật làm lá công phu. Đồng thời cải tiến khâu chằm nón vừa nhanh, vừa bảo đảm chất lượng từ đường kim, mũi chỉ. Mỗi một chiếc nón đều kết hợp trang trí bên trong để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, không thua kém chiếc nón bài thơ xứ Huế. Với cách làm này, mẫu nón lá mới của ông đã nhận được phản ứng tích cực từ người tiêu dùng.

Có thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập khá hơn, người dân quê ông dần quay về với nghề ông cha, chịu khó thức khuya dậy sớm làm nón để có thêm tiền cho con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Các tiểu thương cũng quay trở lại tiếp tục kinh doanh, buôn bán sản phẩm nón lá. Không chỉ tích cực cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, ông còn mở lớp tập huấn và động viên bà con tham gia học, tiếp tục đứng ra cung ứng vật liệu ban đầu và bao tiêu sản phẩm. Nhờ mẫu hàng mới có tính ưu việt được khách hàng gần xa ưa chuộng nên nón lá quê ông dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường.

Trước đây làm nón chỉ được xem là nghề phụ nhưng hiện nay đã trở thành nghề thu nhập chính, tạo công ăn việc làm cho nhiều lứa tuổi. Riêng gia đình ông Tố đã tạo việc làm cho hơn 700 lao động cả chính lẫn phụ, trong đó có việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động là CCB, cựu quân nhân và con em của hội viên với mức thu nhập khá ổn định (1,5-2 triệu đồng/tháng).

Nhờ kinh doanh nón lá thuận lợi nên mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí gia đình ông Tố thu lãi trên 320 triệu đồng. Với bản chất người lính Cụ Hồ giàu lòng nhân ái, không chỉ làm giàu cho gia đình, CCB Hoàng Hữu Tố luôn quan tâm hỗ trợ vật chất, vốn liếng làm ăn cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là con em CCB, cựu quân nhân, cựu TNXP trên địa bàn xã để họ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Với những gì đã làm được, CCB Hoàng Hữu Tố vinh dự được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua "CCB gương mẫu" giai đoạn 2009-2014. Đây là phần thưởng tinh thần to lớn đối với người lính già ấy. Và một phần thưởng nữa mà theo ông "không gì sánh được" đó chính là sự biết ơn, yêu mến, cảm phục của người dân làng nón Hạ Thôn đối với ông, người có công "giữ hồn" cho nghề truyền thống của quê hương.

Theo Báo Quảng Bình 

Các tin khác