Di tích lịch sử chùa Lèn Bụt

20:4, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA LÈN BỤT 

Được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 12-2013, chùa Lèn Bụt, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) không chỉ là nơi ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân xã Cao Quảng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong các ngày rằm, lễ, Tết hàng năm của người dân nơi đây.

Ghi dấu chiến công

Di tích chùa Lèn Bụt nằm trong một mỏm núi đá vôi phía bắc thôn Chùa Bụt xã Cao Quảng, có tên gọi là Cao Phong Cổ tự nhưng người dân địa phương thường gọi là chùa Lèn Bụt bởi trong hang có nhiều tảng đá vôi dựng đứng mang hình dáng tựa ông Bụt đang ngồi thiền.

Ngôi chùa được nhân dân trong vùng xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIX để thờ Phật Thích Ca, cũng là nơi để nhân dân đến dâng hương các ngày rằm, lễ, Tết, cầu mong sự bình an mưa thuận, gió hòa... Ngôi chùa còn là nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân nơi đây trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Trong kháng chiến chống Pháp, những năm 1938 – 1945, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng tham gia cách mạng, chùa Lèn Bụt được các đồng chí tiền khởi của chi bộ Lê Trực chọn làm nơi hội họp, bàn bạc những vấn đề quan trọng. Năm 1947, khi giặc Pháp tiến hành ném bom đánh phá các căn cứ cách mạng, một số cơ quan Tỉnh ủy Quảng Bình và huyện Bố Trạch đã được sơ tán lên Tuyên Hóa. Để bảo đảm an toàn, bí mật cho việc chế tạo và cất giấu vũ khí, cơ quan binh xưởng của Tỉnh đội Quảng Bình đã chọn đóng tại hang Chùa Lèn Bụt.

Ông Nguyễn Minh Khang, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Cao Quảng cho biết: “Chùa Lèn Bụt không chỉ là nơi chế tạo và cất giấu vũ khí mà còn là nơi được cơ quan bưu điện huyện Bố Trạch chọn đặt trụ sở làm nhiệm vụ bảo đảm mạch máu liên lạc phục vụ chiến đấu từ năm 1946-1947. Từ năm 1947 – 1948, nhằm bảo đảm bí mật cứu thương cho bộ đội, trạm y tế tiền phương của Trung đoàn 18 do bác sĩ Trần Văn Giảng quê ở huyện Quảng Ninh phụ trách cũng đã về đóng tại chùa Lèn Bụt này”.

Trong những năm 1961-1964, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nói chung và Cao Quảng nói riêng, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã nhiều lần tung biệt kích và gián điệp hoạt động quấy phá các căn cứ hậu phương, chống phá phong trào cách mạng. Vùng đất Cao Quảng đã hứng chịu nhiều đợt ném bom đánh phá và nhiều cuộc tấn công của gián điệp biệt kích Mỹ - ngụy. Điển hình trong số đó là vụ toán biệt kích của Mỹ - Ngụy khoảng 10 tên nhảy dù xuống khu vực hang Chùa Lèn Bụt.

Dấu tích chùa còn lại hiện nay chỉ là các bệ thờ được xây dựng bằng đá và vôi vữa.

Ông Nguyễn Yến, thôn Tiến Mại, người tham gia tổ bắt biệt kích kể lại: Rạng sáng ngày 6-12-1963, với mưu đồ do thám tình hình để đánh phá hậu phương của ta, Mỹ - ngụy đã cho một máy bay vận tải C47 di chuyển từ phía cảng Gianh dọc lên triền núi giữa Châu Hóa và Cao Quảng, khi đến khu vực chùa Lèn Bụt, chúng tung đội quân nhảy dù xuống làm nhiệm vụ gián điệp, quấy phá chính quyền cách mạng. Với tinh thần đề cao cảnh giác từ trước, bộ đội chủ lực và dân quân địa phương ba xã Cao Quảng, Phong Hóa, Châu Hóa nhanh chóng triển khai đội hình, siết chặt các vị trí quan trọng bắt gọn toàn bộ toán biệt kích. Đó là một sự kiện lịch sử mà tôi không thể quên được”.

Qua vụ vây bắt biệt kích này, chùa Lèn Bụt trở thành nơi ghi dấu chiến công của quân và dân Cao Quảng, dù trang bị vũ khí còn thô sơ nhưng với tinh thần cảnh giác cao và lòng quả cảm đã đánh tan toán biệt kích nhảy dù của Mỹ - ngụy, góp phần bảo vệ vững chắc các cơ sở cách mạng quan trọng trên địa bàn.

Cũng trong thời gian này, chùa Lèn Bụt được đổi tên thành Hang Dơi – đây là mật khẩu của Binh trạm 19 của tuyến vận tải chiến lược Đoàn 559. Với diện tích khá rộng, chùa Lèn Bụt cũng đã đón hàng trăm lượt người cả bộ đội lẫn người dân vào trú bom. Nơi đây cũng được chọn làm nơi tổ chức các hội nghị quan trọng tập trung đông người, làm lễ tiễn đưa con em lên đường chiến đấu, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ như chiếu phim, biểu diễn văn nghệ... phục vụ cho bộ đội và người dân địa phương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mang đậm nét văn hóa tâm linh

Theo như lời kể của các cụ cao niên thì chùa Lèn Bụt ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Tuy ra đời muộn nhưng nó đã thể hiện khá rõ nét về văn hóa tín ngưỡng tôn giáo (Phật giáo) gắn liền với thời kỳ lịch sử chống giặc ngoại xâm của quân và dân Cao Quảng. Đặc biệt, hiện nay, ngôi chùa vẫn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi chùa đã bị giặc Pháp thiêu rụi hoàn toàn trong một đợt truy lùng căn cứ của nghĩa quân Cần Vương. Các bậc hương lý trong làng đã quyết định chọn một hang động ở phía tây hòn Lèn Bụt để xây dựng lại chùa với quy mô lớn hơn. Dân làng đã góp công, góp của xây cổng, bình phong, điện thờ, cùng nhau hợp sức tôn dựng chùa ngay trong hang động của Lèn Bụt. Chùa Lèn Bụt có ba cửa hang: cửa chính ở phía nam là nơi dựng điện thờ Phật; hai cửa còn lại ở phía đông và phía bắc đi lại khó khăn hơn. Trên chóp đỉnh của hang chùa có một lỗ thủng hình tròn nhìn thấy được ánh sáng mặt trời. Ngày khánh thành chùa, làng đã mở hội ba ngày ba đêm và làm lễ rước tượng Phật vào thờ tại điện thờ trong chùa, đặt tên chùa là Cao Phong Cổ tự.

Tuy được tạo dựng trong thời gian đất nước li tán, chiến tranh loạn lạc, phải làm trong điều kiện bí mật, các thứ đều thiếu thốn nhưng điện thờ trong chùa vẫn hoành tráng và uy nghiêm. Chùa được lập nên, làng đã cử người chuyên trông coi nhang khói. Vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, làng tổ chức lập đàn cúng tế tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân và cầu phúc cho dân làng được ấm no, bình an. Và cứ ba năm một lần, người dân trong làng tổ chức lễ chùa gọi là “Lễ sự lề” theo hình thức cúng chay tại chùa.

Theo các bậc cao niên, thì những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng thường xuyên tại chùa được duy trì đến những năm 1955 - 1956, sau cải cách ruộng đất thì phật tử đến chùa thực hành nghi lễ có ít đi, nhưng chưa bao giờ chấm dứt. Hiện nay vẫn có một số phật tử đến chùa hương khói, cầu mong mọi sự tốt lành đến với bản thân mình và cho mọi người trong thôn xóm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Lâng, Bí thư Đảng bộ xã Cao Quảng cho biết: "Di tích chùa hang Lèn Bụt không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về văn hóa, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong các ngày rằm, lễ, Tết hàng năm. Thông qua đó để giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống, văn hóa của thế hệ cha ông trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh để tiến lên xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác