Ngầm Rinh - Một trọng điểm giao thông huyền thoại

23:29, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

NGẦM RINH – MỘT TRỌNG ĐIỂM GIAO THÔNG HUYỀN THOẠI

Chỉ 2 kilômét đường chạy từ Bắc vào Nam băng qua 2 xã Hóa Thanh, Hóa Tiến của con đường Trường Sơn huyền thoại đi vào phía nam địa phận huyện Minh Hóa đã gánh chịu hàng ngàn tấn bom Mỹ dội xuống trong những năm chiến tranh ác liệt. Ở đây có đoạn Ngầm Rinh trên địa thế độc đạo bên cheo leo núi đá có nhiều hang động lớn nhỏ trong đó có hang “Trụ sở chỉ huy Bộ tư lệnh Trường Sơn” và hàng chục hang là kho hàng chiến lược của ta. Ngầm Rinh đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích danh thắng lịch sử.

Ngầm Rinh trên tuyến đường 15 hệ thống đường Trường Sơn - Ảnh: Ngô Độc Lập

Trên tuyến “Đường Trường Sơn huyền thoại” không chỉ có một tuyến Bắc Nam mà tất cả có 21 trục ngang, trục dọc, cộng tổng chiều dài là 16.000 kilômét. Những con đường chạy phía tây Trường Sơn gọi là đường Tây Trường Sơn, phía đông gọi là đường Đông Trường Sơn. Còn tuỳ hình thế, địa hình và chức năng của mỗi con đường để có những tên gọi riêng biệt. Đó là: Đường Gùi, Đường Xe đạp thồ, Đường Cơ giới, Đường dây Thông tin, Đường Dẫn dầu, Đường Hở (lộ thiên) Đường Kín (luồn sâu che mắt địch),... chưa kể những con đường dọc theo sông, Đường Hồ Chí Minh trên không và Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chính vì thế mà có một nhà báo nước ngoài đến chiến trường Việt Nam gọi đường Trường Sơn Hồ Chí Minh là “một trận đồ bát quái”. Đánh giá hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại trong cả nước thì đường qua Quảng Bình như là cửa khẩu vận chuyển chiến lược vào chiến trường miền Nam. Không kể hệ thống Quốc lộ 1A, Quảng Bình có những tuyến phát triển cơ bản như: Tuyến 12A từ tây Tuyên Hoá qua Sê Pôn (Lào), tuyến 16 từ huyện Lệ Ninh qua Bản Đôn (Lào), tuyến 20 từ Phong Nha - Kẻ Bàng (Bố Trạch) chạy qua Khăm Muộn (Lào) và tuyến 15 chạy dọc ven rừng Trường Sơn từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quan (Vĩnh Linh) dài 285 km, qua bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), Long Đại (Quảng Ninh) và Thác Cóc (Lệ Thuỷ), có 39 cầu cống và 37 ngầm qua khe suối trong đó có Ngầm Rinh.

Ngầm Rinh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất, có đợt địch đánh liên tục 75 ngày đêm, mỗi ngày trung bình 10 trận bom đạn Mỹ đã phá huỷ hoàn toàn một đoạn đường 500 mét chạy qua dãy đá vôi đi qua 2 xã Hoá Thanh và Hoá Tiến.

Giặc Mỹ biết thế chiến lược của trận đồ giao thông đặc biệt Quảng Bình này; nên chúng đã dồn một lượng khổng lồ bom đạn và một lực lượng không lực từ nhiều hướng sân bay ngày đêm quần lượn cố sức ngăn chặn. Ngầm Rinh trở thành chảo lửa, đã ghi danh vào pho lịch sử hào hùng và khí phách kiên cường của từng chiến công. Những công việc tải gạo, tải đạn bằng đôi vai vượt qua núi cao, những đêm thức trắng gánh đá lấp hố bom phá ngầm bảo đảm cho liền con đường huyết mạch xe qua, những trận bom giặc dập lên những tập thể đồng đội khi đang làm nhiệm vụ, muốn tìm xác từng người phải ngửi mùi mồ hôi trộn trong đất đá mới nhận ra để nhặt nhạnh gom lại chôn cất. Bên bom nổ chậm có những cán bộ vẫn ngồi kiên gan để trấn an đồng đội lấp ngầm... Chuyện như thế không thể nào kể hết về họ.

Vị trí chiến lược Ngầm Rinh mỗi khi nhắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chống Mỹ không ai có thể quên. Ngầm trên đoạn đường từ ngã ba Khe Ve đi về phía tây nam từ km 471 đến km 473, dọc 2 xã Hóa Thanh, Hóa Tiến. Một trọng điểm giao thông hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn của không lực Hoa Kỳ, ác liệt vậy nhưng những con người nơi đây, các đơn vị bộ đội, dân công, TNXP đều bám trụ bằng tinh thần quyết tử để giữ vững ngầm. Địch phá, ta quyết giữ mạch máu giao thông không một phút, một giờ nghẽn tắc. Vùng núi 2 xã Hóa Thanh, Hóa Tiến nơi có nhiều núi đá vôi hiểm yếu. Trong lòng núi nhiều hang ngầm được chọn đóng “Trụ sở chỉ huy cơ bản của Bộ tư lệnh Trường Sơn”. Có nhiều hang được sử dụng làm kho chứa xăng dầu, mặt hàng chiến lược cần cho nhu cầu cuộc chiến suốt cả tuyến đường Trường Sơn. Mỗi hang cách nhau từ 1 đến 2 kilômét “Bộ Chỉ huy Tư lệnh Trường Sơn” đặt ở hang lớn nhất có chiều cao vòm hang 5 mét, chiều sâu vào lòng núi 60 mét, hang sử dụng để sinh hoạt và tổ chức các hội nghị quan trọng bàn thảo chiến thuật, chiến lược chiến trường Miền Nam. Đáng ghi nhớ là cuộc họp đầu tiên của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị triển khai thế trận cầu đường, vận chuyển đánh địch ngăn chặn bằng không quân, mở chiến dịch mùa khô 1965,1966, thực hành nhiệm vụ chi viện lớn cho các hướng chiến trường ở tuyến đường lớn miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia.

Nhiều đồng chí thay mặt Trung ương Đảng, Nhà nước vào đây làm việc với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, chỉ đạo hoạt động các chiến trường.

Trong 9 hang ở Hóa Tiến, có hang dùng làm nơi điều trị thương binh, bộ đội của Tiểu đoàn 14, đơn vị anh hùng (được tuyên dương năm 1976), có 2 Anh hùng là Bác sĩ Tạ Lưu và Bác sĩ Lê Xuân Đính.

Ở xã Hóa Thanh, có một hang tương đối rộng, là nơi đóng “Sở chỉ huy Tiền phương” của Hậu cần vận tải Bên cạnh hang này còn một hang nhỏ vừa là “Trạm vận hành đường ống xăng dầu” đầu tiên, mở đầu cho giai đoạn chuẩn bị triển khai hệ thống đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn phục vụ các hướng chiến trường.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đi qua và lùi vào quá khứ gần 4 thập kỷ, nhưng con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường mang tên vị Cha già dân tộc với những di tích đặc biệt mang trên mình nó, vẫn còn là một đề tài để ta tiếp tục nghiên cứu, khám phá, tiếp tục chiêm ngưỡng và ngợi ca.

Trải qua 50 năm Trường Sơn đang trở lại với chính mình, nhưng những gì mà người Việt Nam qua cuộc chiến gắn bó, tạo dựng cho Trường Sơn thì Trường Sơn vẫn còn đang gìn giữ, ôm ấp vào lòng.Và ôm ấp giá trị lịch sử: Ngầm Rinh.

Nguồn Quảng Bình - Ẩn tích thời gian - 2009

Các tin khác