Hang Lèn Đại Hòa

20:1, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

HANG LÈN ĐẠI HÒA

Từ thị trấn Đồng Lê, trung tâm huyện Tuyên Hóa xuôi về Ba Đồn theo Quốc lộ 12A khoảng 7 km, rẽ trái theo con đường nhựa vào xã Đồng Hóa khoảng 1,5 km gặp con đường lên xã Đức - Thạch - Đồng - Thuận, tiếp tục rẽ trái đi gần 1km nữa là đến thôn Đại Hòa, xã Đồng Hóa. Từ đây nhìn về phía bên phải đầu làng chúng ta bắt gặp một núi đá vôi đứng sừng sững soi bóng bên dòng sông Gianh, đó là Lèn Đại Hòa. Từ thuở khai thiên lập địa, Lèn Đại Hòa mọc lên đầu làng cùng với nhiều hòn lèn khác ở xã Đồng Hóa như những bức bình phong cao lớn sừng sững uy nghi ở vùng sơn cước này. Nơi đây, thời kháng chiến chống Pháp rất hoang vu, cây cối um tùm, rậm rạp, dân cư thưa thớt, là vùng căn cứ kháng chiến của ta. Ngày nay, cả vùng này đã mọc lên trường học, trụ sở xã, trạm xá cùng với nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, đường sá đi lại thuận tiện, dân cư đông đúc. Phía trước Lèn Đại Hòa là tấm bia di tích lịch sử cách mạng hang Lèn Đại Hòa cao hơn 2m, bên phải tấm bia khoảng 5m có con đường nhỏ dẫn vào hang. Hang cao khoảng 9 mét, rộng gần 3 mét, có 2 cửa có thể vào ra thuận tiện, lòng hang bằng phẳng, rộng khoảng 50 m2 vào trong hang không khí mát lạnh dễ chịu. Tại đây, ngày 6/01/1948 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất khai mạc. Đại hội có 56 Đại biểu, đại diện cho 983 đảng viên trong toàn tỉnh. Đồng chí Lê Thanh Hải đại diện cho Khu uỷ Khu IV về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội này là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển đi lên của Đảng bộ tỉnh nhà: Đại hội đã tổng kết thành tích, ưu, khuyết điểm trong một năm lãnh đạo kháng chiến, đề ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, nhằm ổn định tình hình xây dựng cơ sở kháng chiến trong vùng địch hậu, biến hậu phương địch thành hậu phương ta, đưa phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh chuyển sang một bước ngoặt lịch sử mới, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Hang lèn Đại Hòa - Nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ I - Ảnh: Ngô Độc Lập

Hang Lèn Đại Hòa nằm cạnh con đường liên xã Đức - Thạch - Đồng - Thuận đã được dự án IFAD cải tạo nâng cấp cách đây gần 7 năm về trước. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp đây là con đường giao liên rất quan trọng nối các xã miền Tây huyện Tuyên Hóa với các xã vùng trung du, đồng bằng của hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Từ đây đi ngược lên 5 km là đến Đồng Lào (xã Thuận Hóa), nếu đi về xuôi sẽ bắt gặp các địa danh quen thuộc khác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như: Làng Còi - nơi thành lập Trung đoàn 18, chợ Còi, chợ Ông, chợ Gát, Minh Cầm...

Xã Đồng Hóa và các xã khác dọc theo tuyến đường này như: Thuận Hóa, Thạch Hóa, Đức Hóa... ngày xưa nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt vải truyền thống. Vùng quê này ngày xưa còn nổi tiếng với những cây tắt, cây quýt trĩu quả. Đến mùa hè đi qua vùng này như lạc vào giữa rừng tắt, rừng quýt; Những cây tắt, cây quýt sai quả chín đỏ mộng trên cành. Tắt, quýt ở đây có vị ngọt, thơm ngon, ăn no mà không chán. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bom đạn địch cày xới đi lại nhiều lần nên hàng loạt cây tắt, cây quýt bị quật đổ, có nhiều cây bị trốc tận gốc. Ngày nay cây tắt, cây quýt chỉ còn lại ở một số gia đình.

Để ghi nhớ một sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh nhà, ngày 29/4/2002, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 862/QĐ-UB công nhận Hang Lèn Đại Hòa là Di tích lịch sử cách mạng. Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, Đảng bộ Quảng Bình đã lớn mạnh không ngừng nhưng Hang Lèn Đại Hòa mãi là nơi ghi dấu lịch sử, nơi khởi đầu cho sự phát triển và trưởng thành đi lên của Đảng bộ Quảng Bình trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc và thời kỳ của đất nước đi lên CNXH.

Ngày nay, đến với Hang Lèn Đại Hòa, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa ta không những được chiêm ngưỡng một Di tích lịch sử cách mạng, một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình mà còn để cho lòng người tưởng nhớ, lưu luyến về một vùng đất của bãi bồi phù sa dọc sông Gianh, bốn mùa cây trái xanh tươi, một vùng đất lịch sử, giàu truyền thống cách mạng đã một thời oanh liệt gắn liền với nhiều địa danh quen thuộc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nguồn Quảng Bình - Ẩn tích thời gian - 2009

Các tin khác