Chi tiết tin - Du khách
Cửa biển Nhật Lệ
CỬA BIỂN NHẬT LỆ
Cửa biển Nhật Lệ
Cửa Nhật Lệ cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 3 km về phía Đông Bắc. Đây là nơi tận cùng của con sông cùng tên bắt nguồn từ đỉnh Trường Sơn phía Tây Quảng Bình đỗ ra biển.
Theo sử cũ chép thì tên cửa Nhật Lệ có từ thời Lý. Cửa Nhật Lệ còn có các tên gọi khác như "Trú Nhạ", "Hà Cừ", "Cửa Sài"...Cửa Nhật Lệ là một loại cửa lệch không rộng, không sâu, nước chảy đều thuận lợi cho các thuyền vừa và nhỏ vào, ra neo đậu. Cửa biển Nhật Lệ vừa là di tích lịch sử vừa là một danh thắng nổi tiếng của Quảng Bình. Ngược dòng thời gian, vào những năm đầu của thế kỷ XI, cửa Nhật Lệ là nơi diễn ra những trận giao chiến quyết liệt giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành. Đây là địa đầu biên cương, là cửa ngõ mà hai quốc gia Cổ đại ra sức giành giật nhau để nắm thế chủ động cho mỗi bên.
Năm 1044, Chiêm Thành quấy nhiễu biên cương phía Nam, vua Lý Thái Tông phải thân chinh đi đánh dẹp, thủy quân Nhà Lý tập kết ở cửa Nhật Lệ.
Năm 1069, niên hiệu Thiên huống báo trượng thứ 2, Kỷ Dậu, trước tình hình nhà Tống (Trung Quốc) phối hợp với Chiêm Thành âm mưu xâm lược Đại Việt ở cả hai phía Bắc và Nam, vua Lý Thánh Tông quyết định đánh dẹp Chiêm Thành trước, sau cự Tống. Vua sai Lý Thường Kiệt làm tiên phong và tự mình thân chinh chỉ huy thủy quân tiến vào cửa Nhật Lệ và đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Chế Củ.
Thời kỳ này, cửa Nhật Lệ thành phố Đồng Hới thuộc châu Địa Lý. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "...vua đi đánh chiêm Thành đến mũi Ma Cô, vụng Hà Não đóng quân ở cửa Trú Nhạ.
Năm 1375, Trần Duệ Tông sai Lê Quý Ly điều động quân dân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa vận tải lương thực chuẩn bị đánh Chiêm Thành. Thủy quân của Trần Duệ Tông vào cửa Nhật Lệ, dừng lại một tháng để luyện tập thủy trận.
Năm 1407, đời Trần Giản Định, tháng 6 Đặng Tất từ Nghệ An tiến vào Tân Bình, Thanh Hóa đánh tan quân Phạm Thế Căng ở cửa Nhật Lệ, đuổi theo đến núi An Đại thì bắt sống được.
Năm 1470, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, thủ quân tập kết ở cửa Nhật Lệ, đề thơ tức cảnh: "Nhật Lệ hải tấn"
Liễu khóa lên thuyền độ vĩ lư
Phiêu phiêu chính phái trú Hà Cừ
Sa hàn địa lão tà dương ngạn
Sương lẫm phong phi túc thảo khư
Long ngự cửa truyền tiên lý tích
Kính phong do ký hậu Trần Thự
Chỉ kim thiệu bá tuần Nam Quốc
Nhật tích phong cương vạn lý dư.Dịch nghĩa:
Trời sáng thuyền vua tới cửa sông
Hà Cừ phất phới đóng quân hồng
Đất cằn cát lạnh tà soi bến
Sương gió gò hoang ngọn cỏ hồng
Vua ngự còn thuyền tích sự ký
Quân hùng mãi chép chuyện thơi Trần
Tuần nam nay chỉ theo người trước
Mở rộng biên cương vạn dặm hồng
Trong suốt 50 năm dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, cửa Nhật Lệ có một vị trí quan trọng mà bên nào cũng quyết giữ lấy. Vì vậy, nơi đây đã trở thành chiến trường ác liệt giữa hai thế lực phong kiến.
Năm 1631, Đào Duy Từ vạch kế hoạch cho chúa Nguyễn và tự đôn đốc xây lũy Trấn Ninh từ cửa Nhật Lệ đến chân núi Đầu Mâu, lấy sông hói, khe suối mé ngoài làm hào rảnh,... lại lấy xích sắt chắn ngang cửa Nhật Lệ và Minh Linh.
Năm 1633, Nguyễn Hữu Dật đắp lũy Trường Sa thuộc xã Cừ Hà để chống quân Trịnh tấn công bằng đường biển. Lũy bắt đầu từ cửa Nhật Lệ chạy theo ven biển đến xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh). Cũng năm này, chúa Trịnh là Trịnh Tráng cất quân đánh chúa Nguyễn, rước vua Lê đi cùng để khuếch trương thân thế. Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Nguyên đem quân chống giữ đóng quân tại cửa Nhật Lệ. Quân Trịnh đánh lâu không được phải rút lui.
Năm 1672, Trịnh Tạc ủy đại quân và vua Lê cùng đi, tiến đánh quân Nguyễn. Đây là trận đánh lớn nhất ở cửa Nhật Lệ trong 50 năm chiến tranh giữa hai họ Trịnh - Nguyễn. Trong trận này, chúa Nguyễn Phúc Tần huy động 20 vạn quân, cử hoàng tử Tâm Phúc là Nguyễn Phúc Hiệp làm Nguyên soái. Sai tướng Nguyễn Hữu Dật đóng giữ lũy Trường Sa, Tài Lễ đem chiếc thuyền và đóng cọc giữ ở cửa Nhật Lệ.
Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng Hới cũng là nơi giữ vị trí quan trọng, cửa Nhật Lệ là yết hầu của mọi phương sách để vạch kế hoạch chiến lược lâu dài. Vì đây là cửa ngõ phía Bắc của kinh thành Huế. Cửa Nhật Lệ là nơi thực dân Pháp hai lần tấn công và đỗ quân lên Đồng Hới (19/7/1885; 27/3/1947) nhưng đều gặp phải tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm của quân và dân ta.Ngày 18/8/1954, thi hành hiệp định Giơnevơ quân viễn chinh Pháp buộc phải lên tàu há mồm rút ra cửa biển Nhật Lệ. Đặc biệt, cửa Nhật Lệ vinh dự được Bác Hồ nghĩ lại và tắm biển trong dịp Bác Hồ vào thăm quân dân Quảng Bình và Vĩnh Linh ngày 16/6/1957.
Ngày 30/4/1964, đế quốc Mỹ và nguỵ quân Sài Gòn đỗ bộ lên cửa biển Nhật Lệ. Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, Quảng Bình là tỉnh tiếp giáp tuyến đầu, cửa Nhật Lệ - thị xã Đồng Hới là nơi có cảng vào ra của tàu thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí từ Bắc vào chi viện cho miền Nam.
Nơi đây đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt. Các trận thủy lôi, bom từ trường đã ném xuống nơi đây nhưng vẫn không ngăn được mạch máu giao thông trên sông, trên biển với những tấm gương anh hùng liệt sĩ Trương Pháp, mẹ Nguyễn Thị Suốt...
Cửa Nhật Lệ hôm nay là một thắng cảnh tuyệt vời của tỉnh Quảng Bình. Bãi tắm Nhật Lệ kéo dài một màu cát trắng, những lúc trời thanh, gió lặng, tiếng sóng vỗ rì rào, từ ngoài xa từng lớp sóng như những chùm hoa sóng tung bọt như muôn ngàn viên ngọc đang lăn vào bờ, ngân lên một thứ âm thanh dào dạt, đều đều không dứt. Năm 1809 - 1813, Nguyễn Du làm cai bạ ở Quảng Bình và thi hào phải thốt lên trước cảnh đẹp của cửa Nhật Lệ:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa’’.
Cảnh đẹp cửa Nhật Lệ đi vào thơ ca, vùng sông nước trên bến dưới thuyền tấp nập, khi đêm về một vùng cửa biển đèn dăng chấp chới đủ các loại tàu thuyền, các loại đèn bắt cá, tôm.v.v cửa biển sáng rực như một thành phố lung linh, đứng xa xa nhìn về cửa biển ta thấy như hàng ngàn ánh sao.
Vào những ngày hè khi mặt trời vừa khuất sau dãy Trường Sơn, du khách sẽ thấy được cảnh Đồng Hới hiện ra trước mắt thật là hùng vĩ với núi Đầu Mâu, núi Ba Rền dường như áp gần Đồng Hới với thành cổ soi bóng dưới dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Có lẽ vì vậy mà người Quảng Bình đã lấy ngọn Đầu Mâu và dòng Nhật Lệ làm biểu tượng văn hóa cho cảnh quan sông núi quê mình:
"Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy
Núi Đầu Mâu cao bấy nhiêu tầm"
Bãi tắm Nhật Lệ trong xanh, nơi tắm biển tuyệt vời, nơi an dưỡng nghỉ mát lý tưởng; cá, mực, tôm, cua đủ các loại hải sản đáp ứng và phục vụ các nhà hàng du lịch, vẫy gọi khách thập phương về với Đồng Hới với cửa Nhật Lệ của Quảng Bình.