Chiến khu Trung Thuần

19:42, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHIẾN KHU TRUNG THUẦN

Chiến khu Trung Thuần nằm ở vùng bán sơn địa thuộc địa phận hai xã Quảng Lưu và Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, cách thị trấn Ba Đồn chừng 5 km về phía Tây.  

Di tích Chiến khu Trung Thuần là một thung lũng bao kín, ba bên bốn bề là núi và rừng rậm theo hình chữ U. Đáy chữ U là đĩnh Chóp Chài cao gần 1.000m so với mặt biển. Diện tích chừng 150 km2 có nhiều xóm nhỏ nối kết liên hoàn. Đường giao thông liên lạc nối liền khắp nơi trong huyện và phía Bắc tỉnh Quảng Bình với Hà Tnh, Nghệ An. Nếu đứng trên núi Chóp Chài, đỉnh Cột Cờ có thể quan sát được một vùng rộng lớn từ Đèo Ngang qua sông Gianh đến Đá Nhảy - Lý Hòa.  

Ở các xóm nhỏ của Trung Thuần như Dương Khê, xóm Hà, Xuân Vương, Kim Thanh, Tam Đa, Trung Chính, Tiền Miếu, Dinh Cừ, Phù Lưu, Vân Tập... các nhà Khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ như: Trống đồng Phù Lưu, trống đồng Đông Sơn loại I, lưỡi câu đồng, rìu đồng và dấu tích phế đô Lâm ấp. Sau khi lấn chiếm đất của Bộ Việt Thường, lập nên Thọ Linh Quốc, nước Lâm Ấp bao gồm cả vùng đất Quảng Trạch (Quảng Bình) và một phần huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lấy vùng Trung Thuần, Phù Lưu làm kinh đô của mình. Theo các thư tịch cổ như “Ô Châu cận Lục” của Dương Văn An, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, “Đại Nam nhất Thống chí” phần Quảng Bình đều ghi nhận vùng đất Trung Thuần là một trong những kinh đô của người Chăm với những di tích: Lũy cổ Hoàn Vương, phế thành Lâm Ấp Mộ cổ Hoàn Vương, Gò gạch v.v… Trung Thuần trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh là căn cứ lớn của quân Trịnh ở phía Bắc sông Gianh, căn cứ Đại Đồn (Trung Thuần) cùng với đồn Roòn, đồn Thuận Bài là những phòng tuyến chiến lược quan trọng của quân Trịnh ở phía Bắc sông Gianh, những dấu tích còn lại như giếng Tàu Voi, hòn Vọng Bái... Trong thời kỳ Cần Vương, Trung Thuần là căn cứ của nghĩa quân Lê Trực trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình. Cụ Lê Trực quê ở Thanh Thủy (nay là xã Tiến Hóa - Tuyên Hóa - Quảng Bình), trước thuộc phủ Quảng Trạch, cụ đỗ tiến sĩ võ làm quan đến chức Đề đốc, bị cắt chức vì có tinh thần yêu nước chống lại Triều đình Tự Đức bạc nhược đầu hàng giặc Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Trực mộ quân, xây dựng lực lượng, sản xuất quân lương, đóng quân ở vùng Trung Thuần, vùng núi rừng Thanh Thủy, liên tiếp tổ chức những trận tập kích, phục kích, công đồn từ năm 1885-1888, làm cho quân Pháp và triều đình Huế hết sức lo sợ, bảo vệ cho trung tâm đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi ở vùng Tuyên Hóa (miền Tây Quảng Bình). Trung Thuần là căn cứ quan trọng trong cả hệ thống căn cứ Cần Vương như Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Quy Đạt, Khe Ve v.v..., những dấu tích còn lại như Bãi Tập, Bạch Thạch, Linh Thần, Ao cá, Khe đá mài, xóm Tiền Miếu, xóm Xuân Vương v.v..., Nhiều thân hào, sĩ phu theo nghĩa quân kháng chiến, nghĩa quân của Lê Trực đã đánh thắng nhiều trận như: đồn Hương Phương, đồn Hòa Ninh, đồn Minh Cầm v.v... tấm lòng yêu nước cùng nghĩa quân của cụ Lê Trực mãi mãi sống trong lòng dân Trung Thuần, trong tỉnh và cả trong lịch sử dân tộc.  

Đặc biệt trong thời kỳ Tiền khởi, Trung Thuần là hậu cứ của lực lượng kháng chiến huyện Quảng Trạch và của lực lượng vũ trang phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Sau hội nghị An Sinh (ngày 4/7/1945), ngày 21/7/1945 Ban chấp hành phủ ủy Quảng Trạch (đồng chí: Nguyễn Văn Huyên, Đồng Sỹ Nguyên, Vũ Huệ... ) đã tổ chức Hội nghị quan trọng ở Động Ngùi (Quảng Thủy) quyết định lấy làng Trung Thuần làm căn cứ địa cách mạng của phủ. Tại đây, đã xây dựng kho tàng, vọng gác, tích trữ lương thực, vũ khí, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ vũ trang. Đầu tháng 8/1945, hơn 40 chiến sĩ được tuyển chọn đưa về Trung Thuần để huấn luyện và từ đây ngày 22/8/1945 đội quân cách mạng kéo về Lũ Phong (Quảng Phong) hội quân và xuống phủ đường cướp chính quyền vào sáng ngày 23/8/1945.  

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa nhân dân Trung Thuần, rừng núi Trung Thuần trở thành quê hương cách mạng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Trung Thuần được giao nhiệm vụ bí mật chuyển tài liệu, kho tàng, bệnh viện v.v... từ thị trấn lên chiến khu một cách khẩn trương, an toàn. Phương án bảo vệ chiến khu cũng được triển khai thực hiện kịp thời như đào hầm trú ẩn, làm kho tàng, bệnh viện dã chiến, rào ba lớp rào bao quanh chiến khu để thành làng chiến đấu. Trong những ngày đầu kháng chiến, mỗi người Trung Thuần đã đóng góp hơn 3 ngày công, nhiều tre nứa v.v..., thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một người lính, mỗi làng thôn là một pháo đài”. Được nhân dân đùm bọc che chở, từ những vùng rừng núi Chiến khu Trung Thuần, Đại đội 365 xuất quân phối hợp cùng nhân dân các địa phương và bộ đội chủ lực từ Nghệ An vào trong 8 năm, từ năm 1945 - 1953 đã quét sạch nhiều đồn bốt giặc giải phóng cả một vùng rộng lớn ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, góp phần cùng chiến trường Bình - Trị - Thiên nhanh chóng đẩy quân Pháp vào thế co cụm, bị động. Huyện Quảng Trạch là mảnh đất vinh dự giải phóng khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp vào tháng 5/1952. Việc giải phóng cả một vùng đất đai, dân cư đông đúc phía Bắc sông Gianh có ý nghĩa lớn đối với chiến cục lúc bấy giờ - Đây là minh chứng cho sự đúng đắn trong việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, một kinh nghiệm quý báu trong lịch sử vận động giải phóng dân tộc.  

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình là tuyến đầu, là hậu phương trực tiếp chi viện cho miền Nam và Trung Thuần là hậu cứ đặc biệt quan trọng của đơn vị B70, là nơi sơ tán của các cơ quan quân sự, dân sự huyện Quảng Trạch. Trung Thuần có đường chiến lược 22B, một nhánh trong hệ thống đường Hồ Chí Minh, Trung Thuần trở thành nơi hội tụ, hậu cứ trạm tiền phương của nhiều Binh chủng như: Thông tin, ra đa, pháo binh... Nơi đây mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, quân sự cho bộ đội trước khi vào chiến trường. Cả một khu đồi núi rộng lớn của Trung Thuần đã che chở những lán trại, nhà cửa của dân xen kẻ, bệnh viện, kho chứa hàng hóa, đạn dược... và cả những trại tù binh Mỹ ngụy. Đặc biệt, tháng 4/1971 hậu cứ Trung Thuần là nơi Thượng tướng Hoàng Văn Thái -Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ xuất quân mở đầu cho chiến dịch Nam Lào và sau này là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng một số cán bộ cao cấp của quân đội đã tổng kết chiến thắng Đường 9 - Nam Lào... Trung Thuần thực sự là hậu phương trực tiếp của tỉnh Quảng Bình, của Quân khu IV, của miền Bắc XHCN đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc thống nhất Tổ quốc.  

Nhìn lại chiều dài lịch sử của Trung Thuần, các nhà sử học đã đánh giá Chiến khu Trung Thuần là mảnh đất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc từ xa xưa cho đến lịch sử hiện đại; là mảnh đất mang đậm dấu tích của quốc gia Đại Việt, Chăm Pa, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, thời kỳ Cần Vương; và đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung Thuần là căn cứ địa cách mạng, đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến khu Trung Thuần là mảnh đất đã đi vào lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Quảng Bình.

Các tin khác