Đình làng Đông Dương

19:41, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

ĐÌNH LÀNG ĐÔNG DƯƠNG

Đình làng Đông Dương thời phong kiến thuộc tổng Phong Trạch, phủ Quảng Trạch. Năm 1945, thuộc xã Phong Trạch, huyện Quảng Trạch, từ hòa bình lập lại đến nay thuộc xã Quảng Phương.  

Đình nằm ở rìa làng, hướng về phía Tây, cách thị trấn Ba Đồn khoảng 4km về phía Tây Bắc, cách chợ Lộc Điền (Quảng Thanh) chừng 5 km về phía Bắc. Đình là nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa của làng. Đình gắn liền với những sự kiện lịch sử sôi động của địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. Đình có vị trí vô cùng quan trọng trong những ngày tiền khởi nghĩa, đặc biệt là cách mạng Tháng Tám 1945, trong 9 năm chống thực dân Pháp và trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đình được xây dựng ở một vị trí ba bề là rừng, rất thuận lợi cho việc sinh hoạt, hội họp của các tổ chức cách mạng. Nếu khi bị lộ, lập tức được rút và tản vào rừng để giữ gìn lực lượng. Những ngày đầu của cách mạng, các tổ chức, các cơ sở Đảng ở địa phương đã dùng đình làm nơi họp bí mật để truyền đạt những chủ trương lớn của Đảng. Những đồng chí đảng viên cộng sản tiền bối, trung kiên như đồng chí Tế (sau này là Bí thư đầu tiên của huyện Quảng Trạch) cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp để bàn về những vấn đề lớn, quan trọng của Đảng ở đình. Đình cũng là nơi tổ chức thành lập chi bộ đầu tiên của xã Phong Trạch. Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, cùng với Chiến khu Trung Thuần, đình là nơi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã bí mật tổ chức các cuộc họp, bắt liên lạc với các nơi, truyền đạt tinh thần tổng khởi nghĩa để cùng nhân dân toàn huyện khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ. Trong chín năm trường kỳ kháng Pháp, đình làng là căn cứ chỉ huy, trụ sở của đơn vị chủ lực 365 của huyện, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ huy đơn vị và đóng quân tại đình. Đơn vị đã tham gia nhiều trận trên chiến trường của huyện và chiến thắng vẻ vang. Hòa cùng chiến trường cả nước và tỉnh nhà, ở Quảng Trạch, từ đình Đông Dương, từ căn cứ xuất phát, các anh bộ đội cụ Hồ đã tham gia chiến dịch giải phóng quê hương, các đồn hương vệ, các đồn như Ba Đồn, Mỹ Hòa, Thanh Khê... Đình cũng là nơi đón tiếp, tập trung của các đoàn dân công hoả tuyến phục vụ chiến trường. Năm 1949-1950, Uỷ ban kháng chiến của huyện Quảng Trạch đã đóng tại đình Đông Dương. Sau hòa bình, những năm 1963 - 1965 tại đình, nhiều lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho cán bộ chiến sĩ và lần lượt lớp này đến lớp khác, khóa này đến khóa khác, thay nhau rời ngôi đình đã từng một thời kỳ gắn bó, để vào chiến trường chiến đấu tham gia đánh Mỹ góp phần quan trọng trong nhiều chiến dịch to lớn giải phóng miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, đạn bom liên tiếp, dội xuống Quảng Bình, xuống Quảng Trạch, đế quốc Mỹ điên cuồng hòng dùng bom đạn để làm nhụt ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của quân dân ta. Trong thời kỳ này, các cơ sở trạm xá, bệnh viện, trường học... đều sơ tán lên Quảng Phương, dựa vào cát, dựa vào rừng cây xanh để che mặt giặc lái. Bệnh viện Quảng Phương kiên cường trong khói lửa cũng đã về đây, đình Đông Dương lại là trụ sở của những chiến sỹ mặc áo trắng, do có nhiều thành tích trong chiến tranh, Bệnh viện Quảng Trạch được tuyên dương anh hùng trong những năm chống Mỹ. Giai đoạn 1969-1972, các đơn vị ra đa của bộ đội lại về đây rồi Bệnh viện 41 quân đội, các đơn vị pháo mặt đất,… Mảnh đất Đông Dương, đình Đông Dương lại sôi động dưới các lùm cây xanh cùng quân dân cả nước, cả Tỉnh, đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vô cùng ác liệt trong những năm tháng này, đình Đông Dương lại vừa là kho dự trữ lương thực phục vụ cho chiến trường, các đoàn an dưỡng B ngắn, B dài lại tấp nập về đình về nơi tạm nghỉ, trung chuyển khi tiếp ra Bắc. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ chấm dứt, làng Đông Dương nhanh chóng cùng cả nước, cả tỉnh xây dựng CNXH, đình trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, nơi hội họp HTX. Đình Đông Dương có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ. Đình Đông Dương vừa là kiến trúc nghệ thuật, là quần thể di tích bao gồm: Đình Tiền, đình Hậu, nhà thờ Thánh, nhà thờ tổ, bình phong, trụ biểu, sân và thành bao quanh. Toàn bộ di tích nằm trên diện tích 4000m2, xung quanh là rừng trâm bầu mọc trên cát.  

Đình Đông Dương được xây dựng vào năm Đinh Sửu (1875), đình làm theo kiểu kiến trúc bằng gỗ, cột, kèo, xuyên, theo kiến trúc đình làng Việt Nam, xung quanh xây tường. Đình Tiền có 3 gian, 4 vài, 2 vách, gỗ lim, mỗi vài có 5 cột, cột cao nhất có chiều dài 4,5m, cột thấp nhất có chiều dài 2,7m, kèo chạm nổi hình phượng, rồng, nguyệt, có một lớp màu ánh bạc. Đình trước đây lợp ngói (liệt) vảy, nay lợp ngói Hưng Ký. Mái đình lượn hai góc trước uốn hình hai con nghê đắp nổi làm cho đình thêm thanh thoát, trên nóc đình có hai con rồng lượn chầu đầu vào mặt trăng. Dưới các xà xuyên có khắc hình rồng lượn, trăng mây. Các kèo có cột chống được cách điệu hình cánh chim đội trên mình rồng hình khối chính diện làm cho phong cách tạo dáng kiến trúc thêm tính nghệ thuật cao và uy nghiêm. Đình có 5 cửa, cửa chính rộng 4,5m, hai cửa hai bên rộng 2m, hai cửa phía ngoài rộng 1,5m. Chiều dài đình 30m, chiều rộng 20m. Diện tích đình 600m2. Đình Hậu được xây tiếp phía sau của đình Tiền, được qua lại với nhau bằng cửa hậu. Đình có 3 gian, 4 vài chất liệu bằng gỗ lim, có cùng một kiểu xây dựng như đình Tiền. Có chiều rộng 7,5m, chiều dài 22,5m. Đình Hậu là nơi các tổ chức cách mạng kháng chiến của ta cất dấu tài liệu, vũ khí, là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của Đảng. Năm 1947, thực dân Pháp càn quét sâu vào các cơ sở của ta, chúng phát hiện ra nơi tàng trữ cất dấu tài liệu, vũ khí nên chúng đã ra lệnh đốt phá huỷ diệt mất đình Hậu, nay chỉ còn lại các móng tường. Đình thờ thánh nằm ở phía Bắc đình, cách đình Tiền 8,5m, có chiều rộng 12,5m, chiều dài 20m. Một cửa rộng 3m, lợp ngói liệt, cấu trúc bằng gỗ lim. Thờ đức Khổng Tử, cũng bị thực dân Pháp đốt năm 1947.  

Đình thờ Tổ nằm ở phía Nam cách đình Tiền 4,5m, chiều rộng 11m, chiều dài 17,5m, có 3 cửa, cửa giữa rộng 4m,hai cửa hai bên rộng 2,5m. Mái lợp ngói liệt, cấu trúc bằng gỗ lim. Nhà thờ 9 vị tổ có công lần lượt lập làng, gồm các vị họ Phạm, Nguyễn, Ngô...Năm 1947, bị thực dân Pháp càn quét và đốt cháy. Bình phong cách đình 16m mặt trước, có chiều dài 4m, rộng 3,5m. Cửa rộng 1,5m cũng bị thực dân Pháp phá huỷ năm 1947. Hai trụ biểu nay cũng không còn. Di tích đình Đông Dương là một quần thể kiến trúc khá hoàn chỉnh và đẹp nhưng bị chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại đình Tiền và một số phần móng của các di tích liên quan. Đến với di tích lịch sử đình Đông Dương, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy toàn bộ một quần thể kiến trúc đẹp của đình làng Việt Nam và di tích lịch sử này gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu oai hùng của địa phương và của tỉnh. Được sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh, hiện nay đình được phục hồi và tôn tạo lại khang trang, trở thành địa chỉ văn hóa của địa phương và cả vùng trong các dịp lễ hội.

Các tin khác