Đình Minh Lệ

16:55, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

ĐÌNH MINH LỆ

Đình Minh Lệ thuộc thôn Minh Lệ, tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch nay thuộc làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch.  

Đình Minh Lệ nằm cạnh đường làng, cách trụ sở UBND xã chừng 400m về phía Tây Bắc, cách thị trấn Ba Đồn chừng 6km về phía Tây Nam, cách ga Minh Lệ khoảng 400m về phía Đông Bắc.  

Du khách có thể tới đình làng bằng nhiều phương tiện. Từ bến đò Ba Đồn ngược nguồn Son, ghé chợ Minh Lệ, đi bộ chừng 500m về phía Tây Bắc là đến với đình làng.  

Đình làng Minh Lệ xây năm 1923. Đình là nơi thờ tự, tế lễ, hội họp, rước sắc của làng. Đình thờ Thành Hoàng ở gian giữa và 4 vị thần tổ ở hai bên. Vị thành hoàng là Trương Hy Trọng, quê ở Hải Dương. Dưới thời Lê vâng lệnh triều đình, ông đưa quân vào trấn giữ vùng Thuận Hóa, chiêu dân lập ấp, khai phá đầm lầy, tạo dựng làng bản, đánh dẹp giặc Chiêm Thành. Do có công lớn trong việc mở mang khai phá vùng đất phía Nam, nên năm 1792, vua Lê phong sắc cho ông: “Cai tri phương tước hầu” và cho xây dựng lăng mộ, dựng nhà thờ tại làng. Bốn vị tổ được thờ trong đình là những người đỗ đạt, có danh tiếng và có công đức với con cháu, với quê hương đất nước.  

Đình Minh Lệ là khu di tích gồm: cổng, thành bao, sân, bình phong, đình trung và đình hậu. Đình trung có 4 mái, hai mái trước sau và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn nhưng đã được cách điệu bằng hoa lá, đầu ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn vuốt cong, nâng mái lên cao uyển chuyển, giữ hai đường mái trước là hình khối của những con lân.  

Gian giữa thông với hai gian hai bên bằng 3 cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng ba cửa vòm nhưng cửa lại cấu trúc rất thấp, thể hiện một sức mạnh thần bí của tâm linh.  

Đình Minh Lệ được xây dựng rất công phu, từ các hình khối rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các cửa vòm liên tiếp nhau, từng mảng, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian... tường dày, hơi thấp về độ cao, bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Đình Minh Lệ không những là nơi thờ tự, tổ chức lễ hội, nơi hội họp của làng mà ngôi đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương đất nước qua các thời kỳ.  

Trong những ngày hoạt động cách mạng của Đảng ta, đình là nơi các chiến sỷ cộng sản đi lại, liên lạc và họp kín để trao đổi và truyền cho nhau các chủ trương đường lối của Đảng. Đình cũng là nơi mà các Đảng viên cộng sản ẩn nấp khi giặc Pháp truy lùng. Trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc và tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, các cán bộ của Đảng ta đã về bắt liên lạc và họp tại đình để bàn việc triển khai các chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên và chuẩn bị lực lượng cho việc giành chính quyền ở xã, huyện, cùng phối hợp với lực lượng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Các đồng chí Tế (tức Huyên) là 1 trong 13 đại biểu dự hội nghị thành lập Ban thống nhất Đảng toàn tỉnh tại chùa An Xá (Lộc Thuỷ - Lệ thuỷ) là Bí thư phủ uỷ Quảng Trạch, đồng chí Trãm và một số đồng chí khác cũng đã từng về họp và qua lại công tác ở đình làng để vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng, truyền đạt chủ trương chỉ thị của Đảng, chuẩn bị cho việc đánh đổ ách thống trị của bù nhìn tay sai.  

Hưởng ứng lệnh phát động tổng khởi nghĩa của tỉnh và Trung ương, trong những ngày bừng bừng khí thế cách mạng, nhân dân trong toàn xã và một số thôn của các xã bên cạnh đã tụ họp dưới mái đình nô nức theo mặt trận Việt Minh đi cướp chính quyền ở xã và huyện đường. Sau khi giành thắng lợi, lại trở về tụ họp ở đình mít tinh chào mừng kết quả thắng lợi của cách mạng.  

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, đình làng, sân đình... là nơi cất dấu vũ khí, trong khu vực đình, cơ sở cách mạng đào hầm cất vũ khí để phục vụ cho kháng chiến. Đình cũng là nơi huấn luyện dân quân tự vệ, nơi các cán bộ quân sự cấp trên về hội họp và cùng tổ chức những trận tập kích lẻ tẻ, hay chống càn bảo vệ xóm làng, quê hương. Cùng với sự lớn mạnh của cách mạng, sự phát triển của cuộc kháng chiến, trước yêu cầu phát triển về số lượng, và đặc điểm của địa phương, được sự nhất trí của cấp trên, tại đình làng, một chi bộ Đảng cộng sản của làng Minh Lệ được thành lập sau khi tách từ chi bộ ghép của 5 thôn trước đây có liên quan đến xã Quảng Sơn và Quảng Hòa. Dưới mái đình Minh Lệ, các Đảng viên mới lần lượt được kết nạp, bổ sung cho chi bộ của làng. Đình chứng kiến những buổi lễ kết nạp, những cánh tay giơ cao quyết tâm chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cộng sản vì tự do hạnh phúc cho nhân dân.  

Hoà bình lập lại, dưới mái đình rộn tiếng reo hò của các em thiếu nhi trong những ngày lễ hội. Ngày tết, xuân sang, con cháu khắp nơi về đình làng, về với tổ tiên, chúc nhau năm mới công tác tốt hơn.  

Nhưng đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền bắc XHCN đầy tang tóc, làng Minh Lệ, đình Minh Lệ liên tiếp bị đánh phá. Những chuyến hàng trăm nẻo từ Bắc vào Nam đều dừng chân tại Minh Lệ. Đình Minh Lệ trở thành trạm giao liên, chuyển tiếp trên chặng đường từ Bắc vào Nam. Đình thành nơi tập kết cất đấu vũ khí, lương thực che mắt máy bay Mỹ để tiếp tục chuyển vào Nam.  

Đình bị máy bay Mỹ đánh phá, dân làng chuyển bàn thờ thành hoàng và bàn thờ các vị thần tổ về phía Đông Bắc làng trong nhà thờ cạnh lăng thành hoàng. Đình bị đánh sập tường thành bao, ngói bay, một số hình khối hoa văn bị gãy nhưng đình vẫn đứng đó cùng làng quyết tâm bám trụ. Khói lửa bom đạn tan đi, đình vẫn hiên ngang cùng tấm lòng thuỷ chung vùng đất lửa, lớp lớp thanh niên của làng lên đường nhập ngũ, giải phóng miền Nam, vẫn luôn nhớ về mái đình một thời gắn bó, những con em của Minh Lệ đù đi đâu vẫn nhớ về tổ ấm quê hương, một ngôi đình biết bao kỷ niệm của làng quê, nhớ lại một thời đánh Mỹ hào hùng đầy hy sinh nhưng cũng rất vẻ vang. Ngôi đình, mái đình, cổng đình mãi mãi gắn liền với mỗi con người với những trang sử của quê hương, đất nước.  

Đình Minh Lệ gắn liền với sự kiện lịch sử địa phương, của tỉnh và của dân tộc qua các thời kỳ, đặc biệt là trong những ngày giải phóng dân tộc, giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945 ở quê hương cùng cả nước lập nên Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.  

Đình gắn liền với những kỷ niệm của những người cộng sản trung kiên, bám dân, bám cơ sở bắt rễ trong quần chúng, gắn liền với những chiến sĩ tự vệ trong những năm chống pháp. Đình chứng kiến những cuộc ném bom tàn khốc của giặc Mỹ xuống quê hương. Đình che chở những tấn hàng, tấn vũ khí, đình ghi dấu những đoàn quân giải phóng trên đường vào Nam dừng chân ở đây. Trong thời chống Mỹ đình Minh Lệ còn là nơi ghi nhớ, nơi thờ tự các vị tổ, vị thành hoàng họ Trương ở xứ Bắc vào khai phá vùng đất mới, dẹp giặc, chiêu dân tạo lập làng bản.  

Đình Minh Lệ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu một công trình kiến trúc nghệ thuật của địa phương. Một kiểu kiến trúc đình làng thể hiện sự tài tình của nghệ nhân Minh Lệ trong việc kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, cái không thể trộn lẫn của đình Minh Lệ trong loại hình đình làng Việt Nam.  

Đình còn là nơi để các thế hệ con cháu mãi mãi khắc ghi truyền thống của tổ tiên đã “lập nên chỗ đứng” và con cháu phải có trách nhiệm lưu giữ, phát huy. sống xứng đáng với các bậc tổ tiên, góp phần thúc đẩy công việc xây dựng một làng quê văn minh, giàu đẹp.

Các tin khác