Đền Truy Viễn Đường

19:4, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

ĐỀN TRUY VIỄN ĐƯỜNG

Đền Truy Viễn Đường được xây dựng dưới thời vua Lê Trung Hưng vào khoảng năm 1681, thuộc thôn Vĩnh An, xã Thị Lệ, châu Bố Chánh ngày nay. Đền thuộc thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.  

Đến thăm di tích du khách có thể đi theo đường bộ hay đường thuỷ. Nếu đi bằng ô tô, theo quốc lộ 1A từ Đồng Hới ra Ba Đồn (huyện lỵ Quảng Trạch), từ đây con đường 12 đưa du khách qua bến phà Phù Trịch và đi tiếp 2,5 km theo đường liên xã sẽ đến với di tích. Nếu đi bằng đường thuỷ, từ cầu Gianh - một biểu tượng cho sự thống nhất vững bền của đất nước Việt Nam, thuyền sẽ đưa du khách ngược dòng sông Gianh lịch sử khoảng 5 km gặp bến phà Phù Trịch. Tiếp tục hành trình từ phà Phù Trịch 2,5 km nữa, du khách sẽ đặt chân đến Đền Truy Viễn Đường, đây là một trong những ngôi đền còn lại khá nguyên vẹn, tiêu biểu có rất ít trên đất Quảng Bình.  

Đền Truy Viễn Đường là nơi lưu niệm thành hoàng làng là Nguyễn Khắc Minh (người khai sinh ra dòng họ, người có công khai phá vùng đất lưu vực sông Gianh trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh) và truyền thống văn võ song toàn của dòng họ Nguyễn Khắc ở thôn Vĩnh Phước.  

Danh tướng Nguyễn Khắc Minh sinh vào đầu thế kỷ XVII (1613) trong thời kỳ lịch sử nước ta có nhiều biến cố lớn. Năm 1558, Trịnh Kiểm tâu lên vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa. Từ đó, bên cạnh cục diện Nam - Bắc triều (Lê và Mạc) lại hình thành nên cục diện Đàng Trong - Đàng Ngoài. Hoàn cảnh lịch sử đó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Khắc Minh.  

Nguyễn Khắc Minh sinh trưởng trong một gia đình của dòng họ Nguyễn Thái Bảo, một dòng họ khoa bảng có lịch sử phát triển trên 500 năm, ở thôn Hoa Kinh, xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, thuộc trấn Sơn Nam thượng (nay là xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Làng Nhân Mục là nơi ’’Địa linh nhân kiệt’’, dòng họ Nguyễn Thái Bảo lại phát triển trong một giai đoạn lịch sử sôi động của dân tộc qua các thế kỷ 16 - 19, đó là thời điểm khó khăn phải đương đầu và cũng là thời cơ để dòng họ lập công với nước.  

Cụ Thuỷ tổ họ Nguyễn Thái Bảo huý Nguyễn Khắc Uẩn (1474 - 1554) là cố nội Nguyễn Khắc Minh. Ông được vua Lê phong ’’Thái Bảo Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc’’ (tước Thái Bảo nằm trong tam công: Thái sư Thái phó, Thái bảo, ngang hàng với nhất phẩm triều đình). Cụ Thuỷ tổ sinh được hai người con trai, con trưởng hiệu Phúc Đại Lập nên ngành trưởng ở Hoa Kinh; con thứ là Nguyễn Khắc Trung, sinh năm 1524. Ông trước thi đậu giải nguyên, tiếp tục thi đậu tiến sĩ tại đời nhà Lê. Nguyễn Khắc Trung là người đỗ tiến sĩ đầu tiên ở xã Nhân Mục. Ông làm quan đến chức Thừa sứ. Ông mất năm Nhâm Dần (1602).

Con trai Nguyễn Khắc Trung là Nguyễn Khắc Tuấn, thi đậu cử nhân năm 21 tuổi (1583). Năm 30 tuổi (1592) ông được bổ làm Tri huyện huyện Xương Đức. Ông đỗ tiến sĩ khoa thi Quý Sửu (1613) làm quan dưới hai triều Thành tổ và Văn tổ (tức Trịnh Tùng và Trịnh Tráng) đời nhà Lê. Ông có công đi sứ Tàu (1620),và giúp đỡ nhân dân trong nước. Ông làm quan đến chức Thị lang, phong tước Lai Quận Công.  

Nguyễn Khắc Minh sinh năm cuối năm Nhâm Tý tức đầu năm dương lịch 1613, là con trai thứ ba của ông Nguyễn Khắc Tuấn và bà vợ thứ ba là Nguyễn Thị Chuẩn người làng Thị Lệ, Châu Bố Chính. Nguyễn Khắc Minh ở với mẹ tại quê ngoại, lập ra chi họ Nguyễn Khắc ở Quảng Bình từ đầu thế kỷ XVII. Như vậy, trong quá trình phát triển họ Nguyễn Thái Bảo từ thôn gốc Hoa Kinh, sang thế kỷ XVII phát triển một chi họ mới ở thôn Vĩnh An, xã Thị Lệ, Châu Bố Chính (nay là thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch).  

Sinh thời ông Nguyễn Khắc Minh thông minh khác thường, ông thi đỗ Tiến sĩ triều Lê Trung Hưng và thường theo cha xông Pha chiến trận chống Mạc...Điều này chứng tỏ trong mình ông vẫn mang dòng máu thân phụ: văn, võ song toàn (Tiến sĩ - Quận công). Ông được chúa Trịnh tin dùng. Một thời gian, ông được cử đảm nhiệm cai quản vùng Bắc Bố Chính (tức miền Quảng Trạch, Tuyên Hóa ngày nay). Ngoài ra, trong Quốc sử thấy ghi ông có lúc làm đến chức Thượng Thư Bộ Lại (Đại Nam Thực lục Tiền biên - tập I).

Ông làm quan từ chức Cẩm y vệ, Chưởng vệ, Đề đốc, Thượng Tướng quân, đến chức Lại Bộ Thượng Thư, trước phong tước ’’Nghiêm tuân hầu’’ rồi đến ’’Nghiêm Quận công’’ dưới trướng chúa Trịnh.  

Ông Nguyễn Khắc Minh mất ngày 26-9 năm Đinh Sửu. Lúc sinh thời vào ngày 15-6 niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (đúng hơn niên hiệu Chính Hòa năm thứ 2, đời vua Lê Huy Tông) 1681, Ông lập nhà thờ họ Nguyễn Khắc và đặt ra đất hương hoả tại thôn Vĩnh An, xã Thị Lệ. Khi ông mất vì lòng tôn kính, ngưỡng mộ và tưởng nhớ công đức của Ông, nhân dân và con cháu đã đem mộ ông vào táng ở từ đường. Ngôi từ đường này được con cháu gọi với tôn danh là "Truy Viễn Đường’’.  

Dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, Nguyễn Khắc Minh là một vị tướng có nhiều công lao trấn giữ vùng đất Bắc Bố Chính, bảo vệ nhân dân, giúp đỡ dân nghèo, được chúa Trịnh tin dùng, nhân dân ngưỡng mộ. Mãi cho đến đời vua Đồng Khánh mới bắt đầu truy phong và có sắc đạo cho ông (sắc phong ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2-1886).Về sau các đời vua Nguyễn tiếp theo đều có sắc phong cho Nguyễn Khắc Minh, là vị thành hoàng làng, có nhiều công lao giúp nước, giúp dân được nhân dân phụng thờ (sắc phong của vua Duy Tân ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3-1909; Sắc phong của vua Khải Định ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9-1924...)  

Phần nói về bà ân nhân của ông Nguyễn Khắc Minh, theo truyền thuyết kể lại thì đây là người đã cứu mạng ông trong một tình huống phức tạp nào đó. Ông đã đem bà về ở cùng với gia đình và đối xử với bà rất trọng hậu và sủng ái. Khi bà mất được ông đem mai táng ở cánh đồng xóm Miệu. Ông đặt tên cho ngôi mộ của bà là ’’Mộ Mẹ Già’’. Năm 1972,khi di chuyển mộ của bà vào sân đền thờ Truy Viễn Đường ta thấy thi hài của một người đã chết, táng xuống lòng đất trên 3 thế kỷ, khai quật lên vẫn còn nguyên giống như người đang ngủ, quả là một điều kỳ diệu. Đặc biệt hơn nữa điều đó lại có ở một làng quê xa cố đô, xa tỉnh thành. Đây là một kiểu mộ xác ướp với kỹ thuật cao, giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử các loại mộ táng và đặc biệt là loại mộ hợp chất được dùng để mai táng cho các bậc quyền quý thời phong kiến ở nước ta.  

Là con thứ của Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Khắc Kỉnh cũng đã làm rạng rỡ dòng tộc bằng những chiến công và nhân cách cao cả của mình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng lại thông minh hiếu học nhưng gặp thời loạn lạc, chưa một lần ứng thí nên ông chưa có học vị cao. Con nhà võ tướng, ông nỗi tiếng có võ nghệ cao cường nên ông luôn là người trực tiếp chống quân chúa Nguyễn trên chiến tuyến sông Linh Giang (Sông Gianh). Ông được chúa Trịnh phong làm thượng tướng quân và được giao cai quản vùng Bắc Bố Chính. Trong một trận ác chiến với quân chúa Nguyễn ngay trên vùng nam Bố Chính (nam Sông Gianh) là lãnh địa của chúa Nguyễn, Nguyễn Khắc Kỉnh đã bị tử trận. Dù là một tướng của chúa Trịnh nhưng các vua nhà Nguyễn vẫn truy phong tước Thiêm quận công (thời vua Duy Tân), tước Đoan Túc Tôn Thần (thời vua Khải Định). Ở đền thờ vẫn còn giữ được sắc phong cho ông của vua Khải Định ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924).  

Ngoài ra dòng họ Nguyễn Khắc trong các đời kế tiếp đều có người làm quan như: Doãn Cung Hầu Nguyễn Khắc Nhượng; Khách Trung Hầu Nguyễn Khắc Tiển; Cửu Phẩm Văn Giai Nguyễn Khắc Chương; Nguyễn Khắc Thúc (làm Thủ bộ); Nguyễn Khắc Thường (làm chức chiếu quản tài mộc xứ nguồn Son)...  

Truyền thống khoa bảng, văn võ song toàn của dòng họ Nguyễn Khắc ở thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc đã trở thành một dòng chảy xuyên suốt từ cụ Thuỷ tổ cho đến ngày nay. Các thế hệ con cháu đã giữ gìn và phát huy truyền thống đó trong điều kiện mới của lịch sử dân tộc, nổi bật là hai truyền thống chiến đấu và học tập. Ngày nay, dòng họ Nguyễn Khắc ở Vĩnh Phước có rất nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao với học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ, cử nhân. Con cháu trong dòng họ đã và đang đưa trình độ kiến thức của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.  

Khuôn viên Đền Truy Viễn Đường có diện tích khoảng 300m2. Đền có ba gian lợp ngói liệt, kiến trúc còn mang dáng vẻ cổ xưa. ở đây còn lưu giữ bức hoành phi ’’Truy Viễn Đường’’, 4 cặp câu đối bằng gỗ, các lư hương cổ, những sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn...và đặc biệt ở gian giữa đền có táng mộ và thờ Quận công Nguyễn Khắc Minh là người khai sinh ra dòng họ Nguyễn Khắc ở Vĩnh Phước và là một vị tướng dưới thời vua Lê-chúa Trịnh.  

Kiến trúc và cách bài trí trong đền thờ Truy Viễn Đường tuy không lớn nhưng vẫn thể hiện được tình cảm của nhân dân, dòng họ đối với Nguyễn Khắc Minh và các vị trong dòng họ Nguyễn Khắc. Các khối kiến trúc, các hoạ tiết trang trí như: Lân, Quy, hoa, lá... bằng nghệ thuật đắp vữa ở đền thờ làm cho mỗi chúng ta khi đến đây đều thấy sự cung kính tôn nghiêm. Hiện nay cấu trúc của Đền không còn nguyên vẹn như xưa nhưng những gì còn sót lại giúp chúng ta hiểu thêm về kiến trúc, nghệ thuật xây dựng đền cách đây hơn 300 năm ở trên đất Quảng Bình.  

Vượt lên trên những giá trị văn hóa nghệ thuật của một ngôi đền, tại đây trong giai đoạn tiền cách mạng từng là nơi dấy nghĩa của một bộ phận dân chúng và các sĩ phu yêu nước tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.  

Từ những năm 1930, khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời thổi một luồng khí mới đưa con cháu trong dòng họ giác ngộ tìm đến với Đảng. Đền thờ Truy Viễn Đường lúc này được sử dụng trong việc hội họp bí mật của các vị tiền khởi. Trên mảnh đất thiêng liêng này cũng đã từng đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng về chỉ đạo và phân công chuẩn bị cho việc cướp chính quyền ở huyện, xã.  

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền Truy Viễn Đường được dùng làm nơi cất giấu vũ khí của dân quân chuẩn bị để tiếp vận ra trận địa phòng không. Ở trong khuôn viên đền, địa phương đã làm một ngôi nhà hầm, là điểm sinh hoạt chính trị của Đảng bộ và chính quyền sở tại. Ngày nay, di tích là nơi tổ chức dâng hương, nơi thờ cúng, nơi tưởng nhớ vị thành hoàng làng, nơi giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa quý báu của địa phương và vùng nam sông Gianh.

Các tin khác