Các trọng điểm trên Đường 20 - Quyết Thắng

19:19, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CÁC TRỌNG ĐIỂM TRÊN ĐƯỜNG 20 - QUYẾT THẮNG

+ Trọng điểm A.T.P (cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích).

Cua Chữ A trên Đường 20 là một trong những điểm hứng nhiều bom đạn Mỹ nhất. Đó là một đoạn đường chạy luồn giữa hai quả ’’núi mẹ" và ’’núi con’’ tạo thành 04 đoạn gấp khúc rất ’’ngặt’’ nối tiếp nhau với chiều dài 2.000m (từ km7 đến km9). Lúc yên tĩnh, xe đi qua đấy đã thấy sợ, thế mà các chiến sỹ lái xe phải đi qua đây dưới màn mưa bom đạn của giặc Mỹ. Tính từ ngày 15 tháng 7 năm 1966 đến ngày 21 tháng 02 năm 1973, hầu như chưa có chuyến xe nào qua đây mà không bị bom tọa độ. Trong khoảng thời gian này, Binh trạm 14 đã làm một bản thống kê rất cụ thể: Có 3.020 lần chiếc máy bay (trong đó có 270 lần chiếc B52) đã đến ném bom xuống cua Chữ A với tổng số bom đạn là 20.600 quả bom phá, 790 quả bom nổ, 3.400 loạt bom bi, 160 loạt rốc két, 216 quả bom cháy (ngày cao nhất: 150 lần/chiếc).

Để đảm bảo thông đường, một đại đội thanh niên xung phong đã chốt thường xuyên trên tọa độ lửa này để phá bom nổ chậm và san lấp đường. Người đã có công đầu về phá bom nổ chậm là Nguyễn Thị Liệu, với sáng kiến bới đất dưới quả bom nổ chậm để đặt mìn phá bom. Chị đã anh dũng hy sinh sau khi đã cùng đồng đội phá hết 790 quả bom nổ chậm, san lấp 98.000m3 đất đá và đạt được tỷ lệ thông đường cao nhất: 180 ngày/200 ngày.

+ Ngầm Ta Lê và đèo Pu-La-Nhích.

Trọng điểm này kéo dài 8 km, bị máy bay địch đánh phá gần 10.000 lần, có 2.450 lần chiếc B52, khối lượng bom đạn nhiều gấp 05 gần so với cua chữ A. Riêng bom phá cỡ lớn đã có đến 10 vạn quả. ở đây còn có cả bom từ trường, bom vướng nổ, bom 7 tấn điều khiển bằng tia la de và hàng nghìn cây nhiệt đới. Đoàn 333 công binh chốt giữ ở đây, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hứng chịu trên 1.900 quả bom các loại. Trong điều kiện ác liệt như vậy, họ đã đào đắp, san lấp mặt đường với khối lượng rất lớn là 148.286m3 đất đá, đảm bảo tỷ lệ thông đường 486/580 ngày trong một đợt bị địch đánh phá khốc liệt nhất.

Trọng điểm cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích gọi tắt là trọng điểm A.T.P.

+ Trọng điểm Trà Ang:

Trọng điểm Trà Ang ở km 16,5 dài khoảng 5 km có độ cao so với mặt đường 150m. Lòng đường ở đây hẹp, một bên là vách đá, một bên là dòng suối, nhận thấy đây là điểm hiểm yếu, dễ cắt đường giặc Mỹ đã tập trung đánh phá khốc liệt có đợt chúng bắn phá liên tục 78 ngày đêm với 893 trận làm hàng trăm người hy sinh.

Lúc địch đánh phá ác liệt không thể vận chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm được ta phải vần từng phi xăng xuống suối rồi kéo ngược đi lên theo dòng suối Trà Ang. Trong 06 ngày kể từ ngày 25 tháng 9 năm 1968 đến ngày 01 tháng 10 năm 1968 ta tổ chức kéo 60 phi xăng đến địa điểm tập kết thì được 30 phi xăng, mà có 29 người bị hy sinh vì bom đạn địch.

Những đơn vị tham gia bảo vệ đường ở đây như đơn vị 3.030, hai đại đội cao xạ, đại đội 263 thanh niên xung phong và hàng trăm chiến sĩ thuộc 06 đơn vị bộ đội thanh niên xung phong tham gia kéo xăng ở trọng điểm Trà Ang đã bất chấp mọi hy sinh gian khổ, ngày đêm bám đường sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.


Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20

* Hang mộ 08 thanh niên xung phong ở km 16:

Ngày 11 tháng 11 năm 1972, giặc Mỹ đã bắn tên lửa làm sập tảng đá lớn (khoảng 100 tấn), làm lấp cửa hang bên đường ở km 16, làm 08 thanh niên xung phong trong lúc làm nhiệm vụ đã bị mắc kẹt trong hang. Đồng đội, các anh chị đã hết lòng, hết sức cấp cứu nhưng không thể nào thông được cửa hang . Cả 08 đồng chí trong đó 04 nam, 04 nữ đều quê ở huyện Hằng Hớp, tỉnh Thanh Hóa, cùng lứa tuổi từ 20-25, cùng nhập ngũ ngày 20 tháng 6 năm 1971 vào đại đội thanh niên xung phong 163 đã anh dũng hy sinh.

Cái chết bi hùng của các anh, các chị đã làm xúc động lòng người, nhất là đối với lớp tuổi thanh niên. Đồng đội đã dựng bia khắc tên các anh các chị bên một hang đá.

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Quảng Bình đã tháo gỡ những tảng đá nằm lấp cửa hang đã gần 24 năm nay để tìm và đưa hài cốt các anh, các chị về với quê hương, gia đình trước bao tình cảm sâu lắng, trân trọng của nhân dân. Hài cốt các anh, các chị đã được đưa về quê hương, còn hang đá ở km 16 trên Đường 20 Quyết Thắng cùng với nhà bia tưởng niệm các anh, các chị mới dựng đã trở thành điểm di tích lịch sử quan trọng trên con đường lịch sử mang tên Bác Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tư liệu tổng quan Phong Nha - Kẻ Bàng

Các tin khác