Di tích mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm được xếp hạng cấp quốc gia

14:24, Thứ Năm, 9-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cho biết: Di tích mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm ở thôn Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) vừa được Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Nhà thờ Hoàng Kế Viêm

Hoàng Kế Viêm còn gọi là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, sinh năm Canh Thìn (1820) ở làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh).

Năm 1843, đời vua Minh Mạng, ông thi đỗ cử nhân và được bổ làm Tư vụ, hàm Quang Lộc Tự Khanh. Năm 1846, đời vua Thiệu Trị, ông làm Lang Trung Bộ Lại. Đến đời Tự Đức (1850), ông được giữ chức Án sát tỉnh Ninh Bình (1852).

Năm 1854, ông được thăng Bố Chính tỉnh Thanh Hoá. Năm 1859 là Bố Chính kiêm Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1863, ông giữ chức Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh)…

Trong thời  gian ở Bắc Kỳ xảy ra nhiều biến loạn (năm 1870), triều đình đã cử Hoàng Kế Viêm làm Thống đốc quân vụ đại thần trực tiếp chỉ huy quân thứ Tam Tuyên cùng với Tán tương Tôn Thất Thuyết lo việc dẹp loạn, ổn định Bắc Kỳ.

Với kế sách “vừa đánh vừa dụ hàng”, chỉ sau một thời gian ngắn, Hoàng Kế Viêm đã thu phục được thủ lĩnh quân Cờ Đen là tướng Lưu Vĩnh Phúc, cùng hợp sức đánh tan giặc nổi loạn Cờ Trắng, Cờ Vàng, mà trước đó các tướng lĩnh của triều đình không thể dẹp được. Nhờ vào công lao này, ông được phong hàm Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Tam Tuyên, sung Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ… 

Năm 1873, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Đại uý F.Garnier đánh chiếm thành Hà Nội và nhiều tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng, Hoàng Kế Viêm được triều đình cử làm Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ (chức vụ quân sự cao nhất ở Bắc Kỳ) để chỉ huy, đôn đốc việc phòng thủ chống Pháp.

Ở chức vụ này, ông đã chỉ huy quân dân Hà Nội phối hợp với quân Cờ Đen đánh thắng cuộc tấn công của Pháp vào thành Hà Nội năm 1873, giết chết chỉ huy Pháp  F.Garnier. Mười năm sau, ngày 19/5/1883, Hoàng Kế Viêm lại chỉ huy quân dân Hà Nội đập tan cuộc tấn công của quân Pháp ở Cầu Giấy, bắn chết trung tá chỉ huy H. Riviere…

Lăng mộ Hoàng Kế Viêm

Ngoài tài năng quân sự, Hoàng Kế Viêm còn là người hay chữ, ông làm thơ, viết văn, viết sử. Những tác phẩm của ông bằng Hán Nôm với bút danh Tùng An khá đa dạng và phong phú. Cuộc đời, sự nghiệp của ông trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Ông mất năm 1909, thọ 89 tuổi. Mộ của ông được đặt tại nghĩa trang “Họ Hoàng - Văn La”.

Mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm là quần thể di tích được xây dựng trong một khuôn viên đất khá rộng. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1937 bằng gạch và lợp ngói âm dương, kiến trúc gồm ba gian.

Năm 1967, nhà thờ đã bị đánh sập trong một đợt không kích của giặc Mỹ. Năm 1998, để có nơi thờ tự ông, con cháu trong dòng họ Hoàng đã đóng góp công, của xây dựng nhà thờ… Toàn bộ khuôn viên lăng mộ được làm bằng bê tông, hai bên trồng hai dãy cây tùng bốn mùa xanh tốt.

Di tích mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm ở thôn Văn La, xã Lương Ninh là nơi để tưởng niệm một nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong thời kỳ chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, đây cũng là nơi để giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ đất nước của tổ tiên, ông cha, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống quê hương.

Mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm là một trong 12 di tích của cả nước được xếp hạng cấp quốc gia trong đợt này.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác