Chi tiết tin - Du khách
Bãi Đức
BÃI ĐỨC
Bãi Đức thuộc thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đến với di tích bằng đường sắt từ Nam ra hay Bắc vào, du khách dừng chân ở ga La Khê đi bộ theo hướng Tây Bắc khoảng 5 km là đến di tích.
Bãi Đức là di tích lưu niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở phía Bắc Quảng Bình (tháng 1 năm1931), là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình, Tuyên Hóa nằm ở dãi đất miền Trung của Tổ quốc. Phía Tây là huyện Minh Hóa và dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía Đông là huyện Quảng Trạch và biển cả bao la, phía Nam giáp với huyện Bố Trạch, phía Bắc giáp với huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Tuyên Hóa còn là một vùng đất giàu tiềm năng, lại ở sát với nước bạn Lào - một dãi đất giàu tài nguyên thiên nhiên, giáp với Hà Tĩnh - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên ngay từ những ngày đầu sau khi đánh chiếm đất nước ta, thực dân Pháp đã tập trung khai thác vùng đất này. Với chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột tàn bạo của thực dân đã làm cho đời sống nhân dân cùng cực, điêu đứng. Những mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giai cấp đã tiềm ẩn từ lâu nay càng gay gắt hơn.
Trong điều kiện lịch sử đó, với truyền thống yêu đất nước, yêu quê hương, đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột, nơi đây thực sự là mảnh đất tốt để gieo mầm cách mạng. Đó là điều kiện tốt cho sự ra đời của chi bộ đầu tiên ở phía Bắc tỉnh ta - chi bộ Bãi Đức.
Sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, chủ nghĩa Mác - Lê nin ngày càng được truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta, cùng với những hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc phong trào cả nước có những chuyển biến mạnh mẽ. Cũng trong thời gian này một số thanh niên, học sinh học ở các nơi về quê như Bố Trạch, Đồng Hới... cũng tổ chức các nhóm đọc sách báo tiến bộ góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin trong thanh niên học sinh để chuẩn bị hình thành tổ chức cách mạng.
Cùng với phong trào cách mạng cả nước, chi bộ ga Kẻ Rấy (Bố Trạch) - chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập trên đất Quảng Bình đã phát động quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống bọn địa chủ, tư sản, ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh ở Hương Khê. Với vị trí địa lý quan trọng nối mạch liên lạc theo tuyến đường 12 từ Hà Tĩnh qua Lào, Bãi Đức là nơi được cấp ủy Đảng Hương Khê chú ý để xây dựng chi bộ Đảng.
Sau một thời gian giác ngộ, giáo dục tư tưởng cộng sản cho lớp thanh niên ở Bãi Đức, Tổng ủy Xuân Khánh thấy ở đây đã có đủ điều kiện để thành lập chi bộ.
Giữa tháng 1-1931, tại phía Nam bãi gỗ, gần cầu Tân Đức, đồng chí Trần Ích - Bí thư tổng ủy chủ trì buổi lễ kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Bãi Đức. Chi bộ được thành lập gồm có 7 đảng viên chính thức. Nội dung và phương hướng hoạt động của chi bộ là tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng của Đảng, phát triển Đảng viên mới, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Sau khi chi bộ được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Tổng ủy Xuân Khánh, các đảng viên ở Bãi Đức đã nhanh chóng bắt tay vào việc vận động, xây dựng các tổ chức quần chúng. Cũng trong thời kỳ này, chi bộ đã tổ chức được 4 đội tự vệ với khoảng 50 người ở Đương Dầu, Bãi Đức và La Khê. Nhiệm vụ của đội tự vệ là bảo vệ đường dây liên lạc, đưa tin tức, tài liệu từ Hương Khê vào Bãi Đức và theo dõi một số hoạt động của địch. Do sự chỉ đạo và hoạt động tích cực của chi bộ nên các tổ chức quần chúng ở Bãi Đức được mở rộng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh và chỉ thị huyện Hương Khê về tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1-5, chi bộ Bãi Đức đã quán triệt tinh thần cho các đồng chí đảng viên. Chi bộ họp và phân công chỉ đạo các khu vực, viết thêm truyền đơn, khẩu hiệu, vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình ngày 1-5-1931.
Chiều 30-4-1931, chi bộ bố trí đưa hai đội tự vệ ở làng Bãi Đức đến nhà Lý trưởng Trương Thu Hợp bắt chúng phải phục tùng cách mạng và khống chế không cho tên này ra khỏi nhà. 10 giờ đêm ngày 30-4-1931, chi bộ tổ chức hơn 100 người đến tập trung tại Đương Dầu. Cuộc biểu tình vòng quanh qua làng La Khê và Bãi Đức rồi kéo xuống ga Tân Ấp. Đoàn biểu tình đi đến đâu được dân làng ủng hộ và tham gia tích cực. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn thống trị ở Bãi Đức thật sự hoang mang, lo sợ. Tên đồn trưởng đồn Tân Ấp phải bỏ chạy lên La Trọng, tên chủ đồn điền ở La Khê và bọn quan lại địa chủ ở Bãi Đức, La Khê, một số trốn vào rừng, một số tên khác chạy vào đồn Bang Tá ở ga Tân Ấp ẩn náu. Được tin quần chúng tổ chức biểu tình, 10 giờ trưa ngày 1-5, một tên quan Tây dẫn quân lính đến Bãi Đức đàn áp. Cuối tháng 5-1931 các đồng chí đảng viên trong chi bộ lần lượt bị thực dân Pháp bắt giam ở huyện Tuyên Hóa. Trong chốn lao tù của thực dân phong kiến, mặc dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng các đồng chí ở chi bộ Bãi Đức vẫn giữ vững phẩm chất khí tiết của những người cộng sản, vẫn đấu tranh kiên cường để chống lại mọi âm mưu và thủ đoạn của địch, xứng đáng với lòng tin yêu của quần chúng nhân dân - là những người cộng sản đầu tiên trên quê hương Tuyên Hóa.
Tuy chi bộ Bãi Đức ra đời, tồn tại và hoạt động chỉ trong vòng 5 tháng. Nhưng với khoảng thời gian ngắn ngũi đó, các đồng chí đảng viên và chi bộ đã trở thành chỗ dựa, niềm tin cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Tuyên Hóa nói chung và nhân dân Bãi Đức nói riêng. Sự ra đời của chi bộ Bãi Đức đã đánh dấu bước trưởng thành về mọi mặt trong phong trào cách mạng của nhân dân Quảng Bình chống thực dân phong kiến.
Di tích lịch sử cách mạng ở Bãi Đức có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Bình trong giai đoạn trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cũng như giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông, mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Quảng Bình.
- Đình Kim Bảng và Hang lèn cây Quýt
- Các trọng điểm trên Đường 20 - Quyết Thắng
- Khu lò Gốm, Sành Mỹ Cương
- Di tích Cồn Nền
- Bến phà Quán Hàu
- Cha Lo - Cổng Trời
- Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình thời kỳ 1965 - 1973
- Trận địa pháo Quang Phú
- Khu Giao Tế Quảng Bình
- Cự Nẫm - Làng chiến đấu kiểm mẫu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược