Chi tiết tin - Du khách
Quảng Bình Quan
QUẢNG BÌNH QUAN
Quảng Bình Quan
Quảng Bình Quan (mới phục chế lại) hiện đang ở trung tâm phường Hải Đình giữa bốn ngả đường: phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Bắc là đường đi Hà Nội, phía Nam là đường đi Huế.
Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi. Người thì nói đó là cửa vào dinh Quảng Bình, người thì nói Cổng Bình Quan.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: ’’cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ (1826) xây gạch đá...’’
Trước Cách mạng tháng 8-1945, Quảng Bình Quan (phía đường Đức Ninh) còn có hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào và phía ngã ba giữa hai con đường Đức Ninh và Cầu Rào (ngày xưa thời chúa Nguyễn là đường thiên lý và đường thượng đạo) còn có một âm hồn trên một nghĩa địa lớn.
Quảng Bình Quan bị quân đội Pháp phá hủy khi họ rút khỏi Đồng Hới năm 1954, sau đó Nhà nước ta xây lại gần giống như cũ. Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay của Mỹ đánh tan. Hiện nay nhân dân thị xã Đồng Hới và Nhà nước đã phục chế lại. (Gần đúng như cũ).
Sự thật, trên chiều dài hơn 3.000 trượng, Luỹ Đâu Mâu - Nhật Lệ có ba cửa quan, nhưng sử cũ chỉ chép có hai. Ba cửa ấy là:
1. Cửa vào dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình Quan (dân gian gọi là Cổng Bình Quan).
2. Cửa Lý Chính Đại Quan Môn, Vua Minh Mạng đổi là Võ Thắng Quan, dân gian gọi là Cổng Thượng.
3. Cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ (sử không chép nay cũng mất)
Riêng Quảng Bình Quan, còn có sự bàn cãi về tên, tuổi. Những câu hỏi được đặt ra: nó có tự bao giờ? Từ lúc Đào Duy Từ xây lũy hay từ lúc vua Minh Mạng xây gạch đá? Nếu là có từ lúc đầu khi Đào Duy Từ xây lũy thì nó mang tên gì và địa điểm của nó ở chỗ nào hay cũng là nơi vua Minh Mạng xây gạch đá như hiện nay?
Cho đến bây giờ, chúng tôi chưa gặp tài liệu nào nói, trước đời Minh Mạng thứ 6 (1826), Quảng Bình Quan có tên gì khác không, như Võ Thắng Quan, sử Triều Nguyễn ghi rõ ràng, nó vốn có tên là Lý Chính Đại Quan Môn, khi Minh Mạng cho xây gạch mới đổi làm Võ Thắng Quan.
Xét thực địa, Lý Chính là sự lắp ghép giữa hai tên làng Chính Thỉ, tức làng Trung Nghĩa ngày nay và Minh Lý, tức làng Thuận Lý về sau (nay là hai phường Nam Lý, Bắc Lý).
Về vị trí địa điểm, dù Quảng Bình Quan trước kia có tên gì khác chăng nữa thì chắc chắn vốn xưa nó cũng nằm trong tuyến phòng ngự của Lũy Đâu Mâu - Nhật Lệ cùng ra đời với Lý Chính Đại Quan Môn (Võ Thắng Quan) và cũng nằm nguyên vị trí hiện nay, cái vị trí mà cả hai con đường: Thiên Lý và Thượng Đạo các đời Lý - Trần - Hồ - Lê - Nguyễn phải đi qua, phải gặp nhau để đi tiếp vào Đàng Trong.
Muốn xác định niên đại của Quảng Bình Quan có trước hay sau việc xây gạch ở đời Minh Mạng, trước hết, phải xác định các đường giao thông thời Trịnh - Nguyễn khi đổ về Động Hải vào dinh Quảng Bình phải đi qua đây để tiếp tục vào Phú Xuân sẽ rõ.
Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn chép:
’’...Từ Nghệ An đi vào Nam, vượt núi Hoành Sơn, qua các xã Thuần Thần, Phù Lưu châu Bố Chính, đi về đông, đến làng Lũ Đăng thì tới sông Gianh (...) qua xã Cao Lao, vượt núi Lệ Đệ mấy mươi dặm (...) đi về đông nam qua An Phúc, Thiên Lộc đến thôn An Lão, xã Lương Xá, tục gọi Chợ Đón, đó là đường giữa (...) Đường Thượng thì đi từ Cao Lao vào (...) Đường Dưới thì đi từ Lý Hòa vào (...) đều hợp ở đây (tiếp tục) đi qua các xã đến trước chùa Phúc Tự mà vào (...) Nếu sang sông Động Hải để vào huyện Khang Lộc, Lệ Thủy, thì một đường cái đi mãi về phía tả, đồng bằng rộng rãi (...) Nếu không sang sông Động Hải mà đi về phía hữu (tức là theo đường Thượng) một vài dặm, đến núi Ông Hồi, qua Trường Dục để đi Dinh Trạm..."
Khúc sông Động Hải mà Lê Quý Đôn nói ở đây không đâu khác là khúc sông Cầu Dài, chỗ hợp lưu của hai con sông Lệ Kỳ và Nhật Lệ, nơi ’’gạch nối’’ của hai đoạn lũy Đâu Mâu - Nhật Lệ tiếp nhau.
Thời bấy giờ, từ Bắc vào Nam đến đây phải qua sông Động Hải tức qua sông Cầu Dài. Khi chưa có cầu, người ta gọi đó là bến đò Quảng Bình, hay đò Động Hải. Quảng Bình Quan ở phía bắc Cầu Dài chỉ vài trăm mét, muốn đến cầu đó, con đường phải chui qua Quảng Bình Quan, nơi gặp gỡ của hai con đường Thượng và Thiên Lý mà Lê Quý Đôn đã nói.
So với dấu vết còn lại của những con đường gặp nhau từ Chợ Đón vào đến Động Hải, tức là đường Thiên Lý, hay đường cái quan, đối chiếu với đường Quốc lộ 1A ngày nay, thì có chỗ khác nhau:
- Một là: đường Thiên Lý bắc nam thời Trịnh - Nguyễn khi đi từ Chợ Đón (Hoàn Lão ngày nay) vào đến làng Lộc Đại (Lộc Ninh ngày nay), qua miếu Ông Cọp (nay là chỗ Bệnh viện Cu Ba - Đồng Hới) băng qua cánh đồng Xóm Làng, thôn Minh Lý (phường Nam Lý ngày nay), qua Cầu Rào (bến xe Đồng Hới ngày nay) ven theo phía ngoài thành Quảng Bình (còn gọi là đồn Động Hải hay thành Động Hải) rồi chui qua cửa Quảng Bình Quan mà thẳng tới Cầu Dài. (Gần đúng như nhánh đường phân luồng hiện nay, nhưng đường phân luồng không qua Quảng Bình Quan).
- Hai là: đường Quốc lộ 1A ngày nay khi đến ngã ba Bệnh viện Cu Ba thì ngoặc về hướng chính đông, băng qua cánh đồng làng Trấn Ninh (còn gọi là Phú Ninh) (phường Đồng Phú ngày nay) đến đoạn cống Phóng Thủy (Ba Vĩ ngày xưa) lại ngoặc về hướng nam, xuyên thẳng vào nội thành Đồng Hới (đồn Động Hải ngày xưa) thông qua hai cửa Bắc Môn, Nam Môn (nay là cầu) lướt qua mặt sau Quảng Bình Quan mà đến Cầu Dài.
Như vậy, thời Trịnh - Nguyễn, con đường Thiên Lý khi đến Động Hải là con đường nằm ngoài thành, bắt buộc phải chui qua Quảng Bình Quan mới đến Cầu Dài được.
Ngày nay, con đường Quốc lộ 1A thay thế con đường Thiên Lý xưa, đi ngang qua phía trong thành, khi ra khỏi cửa (nay là cầu) Nam Môn, chạy lướt bên trong (mặt sau) Quảng Bình Quan mà đến Cầu Dài.
Dưới thời chúa Nguyễn, người châu Nam Bố Chính hay ở phương Bắc có việc gì, muốn vào dinh Quảng Bình nếu đi đường bộ thì trước hết phải vào cửa Quảng Bình Quan trình giấy tờ rồi mới ngược ra hướng Bắc mà vào cửa Nam Môn để nhập thành. Nhưng người đi đường thủy, thì phải ghé thuyền ở cửa Nhật Lệ, trình giấy tờ ở cửa quan Thủ Ngự rồi cho thuyền lên bến cửa Đông mà nhập thành.
Với những chứng cớ lịch sử về các con đường giao thông thời Trịnh - Nguyễn như vậy, chúng ta có thể biết được vị trí của Quảng Bình Quan hiện nay chính là địa điểm cũ của nó, khi nó có nhiệm vụ kiểm soát con đường vào dinh Quảng Bình. Vua Minh Mạng xây gạch đá chỉ là công việc phục chế và nâng cao di tích này lên tầm thẩm mỹ của thời đại ông mà thôi. Thời Minh Mạng lên làm vua không còn chiến tranh nữa để xây thêm lũy mới, công sự mới.
Do hiện nay chúng ta không dùng con đường Thiên Lý cũ của thời Trịnh - Nguyễn mà con đường Quốc lộ 1A trở thành con đường chính, lại chạy lướt bên trong của Quảng Bình Quan, nên có người lầm tưởng rằng Quảng Bình Quan không liên quan gì với sự giao lưu Bắc Nam và phía sau lưng Quảng Bình Quan nằm ngay trên lề đường Quốc lộ 1A chắn ngang trục đường Mẹ Suốt với một công viên nhỏ, cũng làm cho có người tưởng đó là mặt tiền của Quảng Bình Quan, tưởng Quảng Bình Quan xây mặt xuống bờ sông Nhật Lệ.
Sự thật lại không phải như thế. Như sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã nói, Quảng Bình Quan có một bức thành ngoài bảo vệ. Rõ ràng Quảng Bình Quan không chỉ là một cửa kiểm soát mà còn là một công sự chiến đấu nên nó có một quai thành bảo vệ bên ngoài! Quai thành bên ngoài ấy nằm về phía trước mặt nó trở về hướng tây, hướng hiện nay có con đường đi Đức Ninh.
Thông thường đã là phòng tuyến thì luôn bắt buộc xây mặt về phía có địch, phải chận đánh đối phương, phải cản đối phương lại! Ở trường hợp Luỹ Đâu Mâu - Nhật Lệ tại Động Hải (Đồng Hới ngày nay) phải chận đón quân Trịnh từ Bắc vào mà đường giao thông Bắc Nam khi đến dinh Quảng Bình lại đi theo hướng tây xuống, nhất định Quảng Bình Quan phải lấy hướng ấy làm mặt tiền, không thể để đường Thiên Lý đi sau lưng được. Nếu vậy, nó chận cản được ai?
Cho nên, ngày nay di tích lịch sử Quảng Bình Quan đã ghi đúng ba chữ Hán trước mặt cửa nói lên sự thật mặt tiền của cửa quan này là ở phía đường Mẹ Suốt và Quốc lộ 1A, vì phía này, trên cổng thành di tích không có chữ gì mà lại có tam cấp trèo lên vọng lâu.
Tuy nhiên, Quảng Bình Quan còn có mối liên quan chiến lược với hai di tích khác hiện đang còn tồn tại ở Đồng Hới, đó là thành Quảng Bình và cửa Nhật Lệ.