Suối nước Moọc: Sức hút của du lịch Quảng Bình

9:55, Thứ Tư, 15-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Vẻ đẹp nên thơ của suối nước Moọc đang thu hút, níu chân khách du lịch khi dừng chân tại Quảng Bình. 

Trở lại Quảng Bình trong trong cái nắng nóng oi ả của tháng 6, nhưng khi dừng chân tại suối nước Moọc với làn nước xanh ngắt, nhiệt độ dưới 20 độ C mọi mệt mỏi của chúng tôi đã bỗng chốc tan biến.

Nằm trong khu rừng rậm hoang sơ tại huyện Bố Trạch, suối nước Moọc cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 60 km được biết đến là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Quảng Bình.

Du khách trải nghiệm tại suối nước Moọc

Suối nước Moọc có nghĩa chỉ dòng suối mọc lên từ đất. Dòng nước chảy ra từ sâu bên trong núi đá tạo thành một hồ nước trong xanh rộng hàng trăm mét vuông. Bao bọc xung quanh dòng suối là những ngọn núi đá vôi hùng vỹ cùng cánh rừng nguyên sinh rậm rạp.

Men theo chiếc cầu tre soi mình xuống dòng nước uốn lượn, dòng suối xanh ngọc trước mắt đẹp như một bức tranh, gieo vào lòng du khách những ấn tượng khó phai.

Sau hai năm đại dịch Covid-19, chị Bích Ngọc du khách đến từ Hà Nội đã quyết định đi du lịch Quảng Bình. Chuyến du lịch của chị thêm ý nghĩa khi đến với suối nước Moọc. Chị bày tỏ, lúc đầu chị đã hơi ngần ngại khi di chuyển từ TP. Đồng Hới để đến suối nước Moọc vì thời tiết nắng nóng, nhưng vẻ đẹp của suối nước Moọc đã hoàn toàn chinh phục ngay khi chị đặt chân đến đây.

Không chỉ mang vẻ đẹp nên thơ hiếm có, suối nước Moọc còn được ví như thiên đường giải trí dành cho du khách với các trò chơi hấp dẫn như chèo thuyền kayak, zipline… Rất nhiều du khách đến suối nước Moọc đều hào hứng được trải nghiệm các hoạt động thú vị tại đây.

Sức hút của suối nước Moọc còn ở những cánh bướm trắng rập rờn khắp nơi. Thời điểm từ tháng 4 đến cuối tháng 5 là khoảng thời gian điểm đến này đẹp như miền cổ tích bởi bươm bướm bước vào mùa sinh sản.

Cùng với động Thiên Đường, sông Chày, hang Tối, hang Sơn Đoòng, có thể nói, suối nước Moọc là một trong các điểm đến nổi tiếng hấp dẫn, níu chân du khách khi đến Quảng Bình trong mùa du lịch nội địa. Đây cũng là lợi thế để du lịch Quảng Bình thu hút, phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay, là huyện có nhiều điểm đến nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, trong đó suối nước Moọc là thế mạnh để địa phương khai thác, thúc đẩy du lịch và kinh tế nói chung phát triển.

"Sau thời gian đóng băng thị trường khách du lịch, hiện huyện Bố Trách đang nỗ lực phục hồi hoạt động trên địa bàn qua việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; tăng cường các hoạt động quảng bá các sản phẩm, điểm đến"- ông Hồng nói.

Cùng với ngành du lịch cả nước, năm 2020 đặc biệt là trong năm 2021, thị trường khách du lịch quốc tế cơ bản đóng cửa, trong khi tổng số khách du lịch đến với Quảng Bình đạt khoảng 569.826 lượt, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ đạt 11% so với kế hoạch. Dù vậy, Quảng Bình luôn được đánh giá là một trong những thương hiệu là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiếp tục được truyền thông quốc tế đánh giá cao.

Ông Hồ An Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các hoạt động để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng trong điều kiện mới. Theo đó, trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách nội địa chiếm 1,99 triệu lượt, khách quốc tế 10.000 lượt.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, năm 2022, Quảng Bình xác định sẽ tập trung thị trường khách nội địa, đẩy mạnh khách du lịch trong tỉnh với chương trình "Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình" và "Mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch".

Trên cơ sở đó, thị trường trọng điểm hướng tới lad Hà Nội và khu vực các tỉnh Đông Bắc Bộ, TP.Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; chú trọng thị trường tiềm năng là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Ngành du lịch tỉnh Quảng Bình hiện đang tăng tốc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên, thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng biển; các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hay du lịch nông nghiệp, cộng đồng…

Các sản phẩm du lịch được địa phương chú trọng quảng bá, phát triển như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống hang động nguyên sơ và kỳ vĩ, tìm hiểu văn hóa tộc người ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; du lịch sinh thái suối nước Moọc, sông Chày - hang Tối, công viên Ozo Treetop Part; khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe nước trong...

Nguồn: https://congthuong.vn

 

Các tin khác