Giai đoạn 2021 - 2025, chú trọng xây dựng và định vị thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương

10:54, Thứ Hai, 25-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+
(Quang Binh Portal) - Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, ngành Du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, vươn lên là một điểm sáng của du lịch Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của du khách và địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư, dần khẳng định được thương hiệu.

Cụ thể, Quảng Bình đã được Trip Advisor, trang website về du lịch lớn nhất thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn thứ tư tại Việt Nam; Lonely Planet - Trang tư vấn du lịch lớn nhất thế giới liên tiếp bình chọn là một trong hai điểm đến đáng trải nghiệm nhất của Việt Nam; động Sơn Đoòng luôn nằm trong nhóm những điểm đến tuyệt vời và đáng mong ước nhất trên thế giới… Mặc dù sự cố môi trường biển, thiên tai và đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất nặng nề đến sự phát triển du lịch của tỉnh, có thời điểm bị ngưng trệ hoàn toàn nhưng ngành đã có sự phục hồi mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Tổng số khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,2 triệu lượt khách (năm 2020 ước đạt 1,85 triệu lượt), tăng 54,7% so với giai đoạn 2011 - 2015; doanh thu tăng bình quân 9 - 10%/năm. Mạng lưới cơ sở lưu trú có bước phát triển mạnh, chất lượng phục vụ được nâng lên. Nhiều tuyến du lịch, loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm... được đưa vào khai thác có hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, toàn tỉnh có khoảng 370 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 03 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 05 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao, 19 khách sạn 2 sao, 15 khách sạn 1 sao cùng hệ thống các nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp sản phẩm phục vụ du khách tại từng khu, điểm du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, hệ số lưu trú được cải thiện đáng kể, năm 2020 ước đạt 1,45 ngày (năm 2015 là 1,19 ngày).

Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về du lịch được triển khai hiệu quả, kịp thời; tình hình an ninh trật tự đảm bảo, xây dựng văn hóa du lịch văn minh, bình đẳng, góp phần tạo môi trường kinh doanh, phát triển ổn định, bền vững, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp của Tập đoàn FLC, Khách sạn 5 sao Vinpearl Quảng Bình của Tập đoàn Vingroup, Dự án Khách sạn Pullman 5 sao của Hà Nội Tourist phối hợp với Tập đoàn Accor (Pháp), Radisson Palace Hotel Quảng Bình được quản lý, vận hành bởi Tập đoàn quản lý Khách sạn hàng đầu thế giới Radisson Hotel Group (Mỹ)...

Tuy vậy, sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu; các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề rất hạn chế; nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện. Hiện vẫn còn thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách. Hệ số khách lưu trú còn thấp. Chi tiêu của khách du lịch còn ở mức thấp; tỷ trọng đóng góp của kinh tế du lịch trong tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng…

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, ưu tiên kêu gọi những nhà đầu tư có thương hiệu, đẳng cấp về du lịch trong nước và quốc tế; tập trung quy hoạch và đầu tư để hình thành một số khu du lịch quy mô lớn, tầm cỡ Quốc gia và khu vực; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: Du lịch khám phá hang động, văn hóa tâm linh, sinh thái, lịch sử…; chú trọng phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa.

Cùng với đó, địa phương cũng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, ven biển, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ, phát huy giá trị di sản; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư du lịch, tập trung vào những nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu tạo ra các sản phẩm du lịch, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng ven biển đẳng cấp khu vực, quốc tế; phát triển các sản phẩm cao cấp, tuyến, điểm du lịch mang tính độc đáo và các nhóm sản phẩm như: Du lịch lễ hội; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; du lịch mùa đông; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng ở mỗi địa bàn.

Mặt khác, tỉnh sẽ quan tâm quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên các dòng sông; thực hiện hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước lẫn quốc tế theo chiều sâu, chuyên biệt cho từng phân khúc thị trường; nâng cao trình độ, ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư; xây dựng phong cách ứng xử lịch sự, mến khách, thân thiện; bảo đảm an ninh du lịch; chú trọng công tác hướng nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch và ngành dịch vụ hỗ trợ; khuyến khích các hoạt động du lịch vì lợi ích cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh cũng hướng tới mục tiêu phấn đấu thương hiệu du lịch Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam, là hình ảnh, thương hiệu của Việt Nam trên thị trường du lịch thế giới và đến năm 2025, khách du lịch đạt 07 - 08 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10 - 20%.

PV Minh Huyền

Các tin khác