Huyện Bố Trạch: Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn

14:44, Thứ Ba, 20-9-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+
(Quang Binh Portal) - Thực hiện Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 02 năm qua, các cấp ủy Đảng, hệ thống chính quyền huyện Bố Trạch đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phù hợp, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo thu hút du khách nên du lịch trên địa bàn huyện đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để khôi phục lại sự phát triển của du lịch, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng tác phong ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.

Bên cạnh tiếp tục phát huy thế mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, tuyến, điểm du lịch đã có thương hiệu, huyện Bố Trạch đã đưa vào khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách lưu trú dài ngày hơn như khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy, hang Vòm - Giếng Voọc; công viên OZO, khám phá tộc người Vân Kiều - khe Nước Lạnh - hang Văn Công; tìm hiểu văn hóa tộc người Arem, Ma Coong và khám phá hang Rục - Cà Roòng; mở tour du lịch khám phá Sơn Đoòng với lộ trình mới 04 ngày 03 đêm, du lịch đường sông “Tham quan quần thể danh lam thắng cảnh và các làng nghề truyền thống”... Đặc biệt, năm 2022, nhiều sản phẩm du lịch mới tiếp tục phát triển như khu du lịch Suối Đá, khu cắm trại Blue Diamond, các loại hình du lịch cộng đồng và điểm du lịch trong Làng Du lịch Cự Nẫm. Đây là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng phát huy được những ưu đãi thiên nhiên vốn có, lại dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có của địa phương.

Vào mùa cao điểm từ tháng 4 - 8, tại các bãi tắm như Đá Nhảy, Nhân Trạch, Trung Trạch, Đức Trạch mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi, tắm biển và thưởng thức hải sản. Cùng với đó, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được Nhân dân gìn giữ, phát huy như Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son, sông Lý Hòa; múa bông, chèo cạn, Lễ cầu ngư ở Nhân Trạch, Thanh Trạch... Ðây chính là nét văn hóa đặc trưng làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch biển bền vững.

Du lịch cộng đồng homestay, farmstay đang ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là các mô hình Green Field Eco homestay, Son Doong Bungalow, Phong Nha farmstay, Phong Nha Lake house, The Duck Stop, Sheep Home Phong Nha… đã thu hút nhiều du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, vừa mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương, vừa tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của huyện đến với du khách. Hiện nay, đã có gần 100 nhà nghỉ cộng đồng hoạt động kinh doanh lưu trú trên địa bàn huyện.

Các cơ sở kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch đã phối hợp, hỗ trợ câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống trên địa bàn huyện biểu diễn phục vụ du khách. Đây là hoạt động nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống, mang lại những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách nhằm tạo thêm giá trị các hoạt động, sản phẩm du lịch cho doanh nghiệp và tạo thêm thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần phát huy, bảo tồn và quảng bá vốn nghệ thuật truyền thống địa phương đến với du khách.

Để phát triển du lịch, trong 02 năm qua, huyện tiếp tục áp dụng chính sách về phát triển du lịch như hỗ trợ cho cơ sở, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản xuất hàng lưu niệm sử dụng nguyên liệu đặc trưng của địa phương; hỗ trợ các sản phẩm du lịch, khu, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp có đầu tư mở các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch; hỗ trợ các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử đăng tải hình ảnh, tin bài quảng bá du lịch Bố Trạch trong năm 2022; công tác tổ chức các hội thảo, hội chợ du lịch; triển khai các chiến dịch marketing mời những người nổi tiếng, blogger du lịch trải nghiệm và quảng bá du lịch…

Kết quả, năm 2021, huyện Bố Trạch đã đón 145.400 lượt khách đến tham quan, lưu trú, trong đó khách quốc tế 2.393 lượt; tổng doanh thu trên 61 tỷ đồng. Đặc biệt, vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các điểm như Đồi Dẻ xã Cự Nẫm, Vườn hoa xã Lý Trạch, Happy hill Cự Nẫm đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh… Từ đầu năm 2022 đến tháng 7/2022, toàn huyện đã đón 310.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, đạt 328,68% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 7.652 lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Bố Trạch sau khoảng thời gian ảnh hưởng dịch.

Tuy nhiên, nhiều tiềm năng và lợi thế của huyện chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả; sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu, ít sáng tạo, còn trùng lặp, các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề còn hạn chế; hoạt động du lịch còn mang nặng tính thời vụ, lượng khách chưa ổn định. Đa số doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn quy mô vừa và nhỏ; vốn đầu tư phát triển du lịch của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ còn hạn chế. Nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, năng lực một số cán bộ làm công tác du lịch chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã làm cho du lịch tỉnh nói chung và du lịch huyện Bố Trạch nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề; lượng khách, doanh thu đặc biệt trong năm 2021 giảm rõ rệt.

Thời gian tới, huyện Bố Trạch tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu du lịch “Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt”, “ Bố Trạch - thiên đường khám phá” đến khách du lịch trong nước và quốc tế; triển khai hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác nhằm nâng cao vai trò, vị thế của du lịch Quảng Bình trong sản phẩm du lịch chung của vùng Bắc Trung Bộ, Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tổ chức các chương trình, sự kiện, hình thành gói sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng cao, hấp dẫn để thu hút người dân trong tỉnh và khách du lịch; tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch và theo xu hướng, nhu cầu của khách du lịch như du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch M.I.C.E; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí cao cấp; hỗ trợ các đơn vị hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện khôi phục hoạt động kinh doanh trong thời kỳ bình thường mới, góp phần phục hồi sự tăng trưởng và phát triển của du lịch huyện…

PV Mai Anh

Các tin khác